Sắc màu cuộc sống

Những phong tục có một không hai ở Việt Nam

Thứ sáu, 1/2/2019 | 07:07 GMT+7
Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam với 63 tỉnh thành và 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc, vùng miền lại có những phong tục, tập quán riêng tạo nên nét độc đáo, thú vị của mình.

Yên Lạc, Vĩnh Phúc: chỉ cưới 2 ngày trong tháng

Chỉ tổ chức đám cưới vào 2 ngày trong tháng là mùng 2 và 16 âm lịch; không làm sân khấu, không dùng loa, cổng chào, ăn lại mặt… là những phong tục đã tồn tại nhiều năm nay tại thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc).

Theo quy định trong hương ước của thị trấn Yên Lạc năm 1998, đám cưới tổ chức trong vòng 1,5 ngày, không tổ chức đón dâu 2 lần, loa đài phục vụ đám cưới phải nghỉ trước 22 giờ để đảm bảo trật tự khu phố, tránh ô nhiễm tiếng ồn tới khu dân cư. Không ăn uống linh đình. Không hút thuốc lá. Không sử dụng nhạc sống. Không sân khấu đèn nhảy. Không sử dụng loa có công suất lớn, không được đánh bạc.

Việc tổ chức đám cưới phải tiết kiệm, gọn nhẹ tránh phô trương, hình thức; không lợi dụng việc cưới để biếu xén, trục lợi hay duy trì hủ tục trả nợ miệng. Trước năm 2010, trong bản quy ước này còn ghi rõ cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc tân thời hoặc thường phục.

Ngoài ra, một lý do nữa khiến người dân ở đây chọn cưới vào mùng 2 và 16 là việc đi xem bói để hỏi ngày cưới, tuổi cưới trước đây là một tập tục khó bỏ gây ra nhiều hệ lụy, tốn kém đối với bà con nhân dân. Trong khi đó, ngày 5, 14, 23 phải tránh vì là ngày kiêng kị. Chính vì thế bà con ở đây đã thống nhất và đồng thuận tổ chức cưới vào 2 ngày như vậy.

Dù rằng quy định cưới xin cũng khiến nhiều người không “ưng ý” nhưng theo tính toán của người dân Yên Lạc, chỉ tổ chức cưới trong 2 ngày sẽ chống lãng phí, tiết kiệm thời gian, chi phí cho gia đình người tổ chức cũng như những người tham dự. Vì thế, hơn chục năm nay, quy định vẫn được người dân thực hiện hết sức nghiêm chỉnh.

Tây Hồ, Hà Nội: Phụ nữ đến tháng không được ướp chè sen

Làng nghề Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội có từ vài trăm năm nay. Để tạo ra được loại chè sen thơm, đặc sắc người dân ở đây bao đời giữ gìn tập tục riêng của làng nghề.

Vào mùa thu hoạch sen (từ 19/5 đến 2/9), người dân ở Quảng An phải dậy từ lúc 3 – 4 giớ sáng để chuẩn bị cho một ngày ướp chè sen. Việc làm chè sen ở nơi đây phải tuân thủ luật tục của làng từ xa xưa. Khi thu hái sen phải kiêng gió Tây vì loại gió này sẽ khiến cho hoa sen thắt lại, ngọn sen dai, chất lượng hương suy kiệt. Thu hái sen thường vào ngày nắng to bởi trời mưa sẽ làm nhạt hương sen bay hết nhụy hoặc gạo sen.

Sen sẽ được hái gấp (từ 5 – 7 giờ sáng) để kịp lấy gạo sen khi hoa vẫn còn tươi, đượm hương nhất. Những chiếc thuyền chở sen cập bờ khi trời chưa đọt sào. Để làm ra được 1 kg chè sen phải sử dụng đến gạo của 1.400 bông hoa sen. Chè ướp trong 7 lần, mỗi lần 200 bông sen được tách lấy gạo. Cứ 3 ngày phải ướp 1 lần. Sau 7 lần ướp chè được sấy bằng nước nóng cho khô trong khoảng 3 ngày. Công đoạn cuối cùng là sàng sẩy và đóng bao bì cho chè sen.

Theo bà con trong làng, đây là nghề khá đặc biệt, đòi hỏi những người cần cù, chịu khó, cần mẫn và có kinh nghiệm. Những người phụ nữ đến tháng, những người đi đám ma về… đều không thể làm được chè sen và sẽ khiến mẻ chè đó phải bỏ đi.

Chính vì đặc điểm đó nên tại Quảng An đa phần đàn ông làm các công đoạn chính của mẻ chè sen. Họ cho gạo vào ướp, sấy chè, sàng sẩy, kiểm tra khi chè thành phẩm, đóng gói chè. Phụ nữ, lao động trẻ chủ yếu làm các phần việc phụ như tách bóc hoa, tách gạo, hái sen…

Phú Quý, Bình Thuận: Nơi không có cưới xin

Dân đảo có tập tục đặc biệt từ xưa, không tổ chức đám cưới rình rang. Nếu để ý, nhớ nhung một cô gái nào đó, người con trai không cần phải mai mối như các nơi khác. Chàng trai chỉ cần nói với cha mẹ hoặc người thân để khi nhà gái có tiệc tùng, đám giỗ hoặc sự kiện gì đó, nhà trai sẽ sang nói chuyện (ở đảo gọi là nói chừng). Nếu nhà gái đồng ý, ngay hôm đó đôi trẻ sẽ nên duyên vợ chồng và ngay tối đó, chàng trai đã có thể đến ngủ nhà cô gái.

Ở đảo, con gái lớn lên được cha mẹ cho một phòng riêng và đêm đó chàng rể sang nhà cô dâu ngủ, coi như đêm tân hôn của 2 vợ chồng. Điều đặc biệt là sau khi nên duyên, chàng trai vẫn ở nhà mình còn cô gái ở nhà mẹ đẻ. Buổi tối thì vợ chồng được ở với nhau tại nhà cô gái. Và trong khoảng thời gian cô gái còn ở nhà mẹ đẻ, nếu nhà trai có việc hệ trọng (đám tiệc, giỗ chạp, dựng nhà...) thì sang “mượn” con dâu một vài ngày, nhà gái cũng có thể “mượn” con rể.

Đôi vợ chồng trẻ cứ ai ở nhà người ấy cho đến khi nào cha mẹ người con trai thấy cần con dâu về sống chung, hoặc khi đôi vợ chồng trẻ có con thì nhất định phải về nhà trai. Ngày cô dâu về nhà chồng, nhà trai đưa lễ vật đơn sơ, gồm trầu cau, rượu, xôi gà cùng ông mai đến nhà gái xin đón con dâu và… cháu nội. Thủ tục phải có trong lễ rước dâu, rước cháu là lễ “phạt ông bà”, tức báo cáo với tổ tiên cho phép cô dâu làm thành viên chính thức của dòng họ.

Ngày nay, tập tục này đã mai một theo thời gian và chịu ảnh hưởng bởi phong cách cưới hỏi ở đất liền. Đồng thời nhiều cặp vợ chồng đã được vận động đăng ký kết hôn dù trong gia đình vẫn duy trì tập tục này như một nét văn hóa riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều đám cưới bị biến tướng bi hài như hiện nay thì tập tục cưới xin đơn giản, đầy ắp tình người ở đảo Phú Quý phần nào vẫn rất đáng ca ngợi.

Thanh Ngân