Sức khỏe

Hà Nội ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19

Thứ sáu, 8/12/2023 | 15:38 GMT+7
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 292/KH-UBND về kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.

Kế hoạch nhằm bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giảm số mắc Covid-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19; đảm bảo việc quản lý bệnh Covid-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Với mục tiêu đó, kế hoạch nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong thời gian tới. Bao gồm: tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch; chú trọng đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 

Các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp, phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch bệnh và xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025 trên cơ sở thực tế đảm bảo đáp ứng tốt các tình huống dịch đột xuất xảy ra. Xây dựng và triển khai thực hiện lồng ghép tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng quốc gia.

Hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh Covid-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết những ảnh hưởng do Covid-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như: công tác tiêm chủng mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các biểu hiện hậu Covid-19...

Về công tác điều trị, cần bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận nhân tạo...); tổ chức phổ biến về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới.

Về công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật để thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam cho người dân biết, không gây hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là. Tuyên truyền các khuyến cáo, khuyến nghị theo hướng dẫn của Bộ Y tế các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu và biết cách tự phòng bệnh; khuyến cáo người dân thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn); truyền thông tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong công tác hậu cần, cần bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch; có phương án đảm bảo cơ số giường bệnh, giường điều trị tích cực, khu vực điều trị Covid-19 tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đặc biệt trong các tình huống dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Xây dựng, đề xuất các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.

Việt Nga