Công nghệ Giao thông

Hà Nội dự kiến đầu tư làm gần 97km đường sắt đô thị

Thứ tư, 8/5/2024 | 15:46 GMT+7
Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô do Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa trình UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội đầu tư làm gần 97km đường sắt đô thị.

Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội mới bắt đầu xây dựng năm 2007, tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông không bắt kịp tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.

Trong khi đó, Hà Nội có khoảng hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm khoảng hơn 6 triệu xe máy, hơn 1 triệu ô tô các loại, chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện đến từ các địa phương lân cận.

Do tình trạng mất cân đối về thị phần vận tải giữa các phương thức đã dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, chi phí vận tải lớn, ô nhiễm môi trường...

Ảnh minh họa

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô, đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm là 50 - 55%, sau năm 2030 là 65 - 70%. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay thị phần vận tải hành khách công cộng của thành phố đạt khoảng 19,5%, cách khá xa so với các chỉ tiêu quy hoạch.

Mặt khác, phát triển đường sắt đô thị với mục tiêu tăng cường vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân sẽ góp phần làm giảm ùn tắc, tạo thuận tiện cho việc lưu thông, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đây cũng là loại hình giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường và chiếm dụng ít đất hơn các phương thức vận tải khác.

Do đó, theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, việc sớm hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là cần thiết, góp phần tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố. Dự kiến sau khi đưa vào khai thác, hệ thống đường sắt đô thị có khả năng vận chuyển khoảng 3,2 triệu lượt khách/ngày, chiếm 35 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm và khoảng 20% khu vực ngoại ô.

Cụ thể, đến năm 2030, Hà Nội sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,9km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16,208 tỷ USD. Giai đoạn này, đường sắt đô thị đảm nhận 7 - 8% lượng hành khách và vận chuyển 2,2 - 2,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Đến năm 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435mm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20,966 tỷ USD. Đến sau năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35 - 40% lượng khách công cộng và có thể vận chuyển được 9,7 - 11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Đến năm 2045, hoàn thành đầu tư xây dựng 196,2km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm, sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18,268 tỷ USD.

Đề án cũng xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định. Nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá và ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt...

An Vinh (t/h)