Công nghệ Giao thông

Nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam

Thứ sáu, 15/3/2024 | 11:02 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo "Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam".

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải. Ngành giao thông vận tải cũng đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Hiện nay, các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện được xem là tương lai của ngành giao thông, khi người dân tại các thành phố lớn ngày càng ưa chuộng loại xe này. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2023, đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc trên đường còn thiếu, không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các phương tiện chạy bằng điện.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng (UNDP Việt Nam) Đào Xuân Lai chia sẻ: Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính. Việc chuyển sang kinh tế xanh, kinh tế số là xu hướng tất yếu và giao thông vận tải sẽ là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và lý tưởng là các phương tiện giao thông đều xanh, ít phát thải. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, việc thiếu trạm sạc là một trong 3 rào cản chính đối với người tiêu dùng khi quyết định mua và sử dụng xe điện. Bởi vậy, việc lồng ghép các trạm sạc vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tại Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và đảm bảo đồng bộ.

Việc lồng ghép các trạm sạc vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và đảm bảo đồng bộ. (Ảnh minh họa)

Theo ông Wilmar Matinez, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng điện của UNDP, ở Việt Nam, khái niệm ô tô điện còn mới. Số lượng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh còn khá thấp nếu so sánh với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến các trạm sạc điện trên đường, đặc biệt là đường cao tốc không phổ biến như tại các quốc gia khác.

Ông Wilmar Martinez thông tin thêm, các nước trên thế giới đặc biệt là Đức và Na Uy đã triển khai chính sách tài chính, thuế để khuyến khích hạ tầng trạm sạc; đồng thời cũng đưa ra những quy định nghiêm ngặt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc, tiêu chuẩn hóa điểm sạc, nguồn, tốc độ sạc cũng như các quy định về sạc công cộng và sạc tại nhà.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận về kế hoạch phát triển hạ tầng sạc xe điện, nguyên tắc lựa chọn hạ tầng trạm sạc, loại sạc, cổng kết nối, công suất nguồn, nhu cầu điện và tác động của trạm sạc xe điện tới lưới điện, các cơ chế tài chính và khuyến nghị nhằm thúc đẩy đầu tư trạm sạc xe điện. Các chuyên gia cho rằng, giống như những quốc gia phát triển, Việt Nam cần phải khuyến khích, động viên các tổ chức tư nhân có thể góp vốn để tăng cường trạm sạc trên những tuyến đường cao tốc. Các chính sách khuyến khích có thể bao gồm: miễn thuế trong 5 năm đầu sau khi đưa các trạm sạc đi vào hoạt động, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo…

An Vinh (t/h)