Công nghệ Giao thông

Chuyển đổi năng lượng hướng tới giảm phát thải trong giao thông

Thứ hai, 18/3/2024 | 10:48 GMT+7
Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM vừa phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức chương trình tập huấn "Chuyển đổi năng lượng hướng tới giảm phát thải trong giao thông".

Với phần trình bày của các chuyên gia trong và ngoài nước, chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng tham dự về chuyển đổi năng lượng sạch trong giao thông; cung cấp kiến thức và công cụ về thị trường tín chỉ carbon, gợi mở cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và bắt buộc; trao đổi, chia sẻ để nhận diện rõ hơn những thách thức mà TPHCM phải đối diện khi phát triển giao thông xanh, từ đó có được góc nhìn chung cho các đề xuất chính sách.

Ông Bùi Hoài An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện, năng lượng xanh gồm 3 giai đoạn: khởi động (2023 - 2030), tăng trưởng nhanh (2030 - 2040) và tăng trưởng ổn định (2040 - 2050). Để thực hiện tốt lộ trình này, TPHCM sẽ tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giao thông điện; hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông điện.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện; thực hiện các giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân.

Chương trình tập huấn "Chuyển đổi năng lượng hướng tới giảm phát thải trong giao thông"

TPHCM cũng sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, khuyến khích tham gia giao thông công cộng và chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM, cần có đề án thí điểm, nâng cấp, cải thiện chất lượng phương tiện giao thông sử dụng công nghệ nhiên liệu mới và bảo đảm đồng bộ, tích hợp với các giải pháp khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện giao thông bền vững. Đồng thời, phải có mục tiêu cụ thể về xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực hiện chuyển đổi sang phương tiện giao thông năng lượng sạch. Xây dựng giải pháp thực hiện, thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh.

Thực hiện phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện, vùng phát thải thấp (LEZ), ưu tiên cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Xây dựng cơ chế quản lý, tăng cường năng lực, huy động nguồn vốn tài chính và lộ trình cụ thể để triển khai.

Nhã Quyên (t/h)