Nông nghiệp sạch

Hỗ trợ An Giang phát triển chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 23/4/2024 | 14:30 GMT+7
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tại Việt Nam tổ chức hội thảo Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất lúa gạo tỉnh An Giang.

Theo ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của An Giang. Tỉnh có diện tích gieo trồng lúa khoảng 640.000ha/năm, cho sản lượng khoảng 4,1 triệu tấn/năm, trong đó tỷ lệ nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm gần 85%. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh An Giang đã đăng ký với Bộ NN&PTNT tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích canh tác chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 40.000ha, đến năm 2030 là 150.000ha.

Để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả và ổn định, bền vững, ngành nông nghiệp An Giang đang chú trọng công tác hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, xúc tiến chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

An Giang phát triển chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhân cơ hội An Giang là một trong 3 tỉnh của Việt Nam được SNV chọn để thực hiện dự án TRVC, tỉnh sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp thông qua việc phát triển chuỗi giá trị bền vững, từ đó cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết thêm, dự án TRVC triển khai tại An Giang sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo của tỉnh, mang lại giá trị lớn về thương hiệu, tạo ra dòng sản phẩm lúa gạo được sản xuất có trách nhiệm về môi trường cũng như thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, đặt nền móng vững chắc cho doanh nghiệp sẵn sàng tham gia. Dự án được triển khai sẽ kịp thời bổ trợ, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để tỉnh tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Tại hội thảo, bà Trần Thu Hà, Giám đốc dự án TRVC nhấn mạnh, dự án sẽ hỗ trợ 10 doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, nông dân ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang chuyển đổi sang sản xuất lúa phát thải thấp trên diện tích 200.000ha đến năm 2027 với khoảng 200.000 hộ nông dân được hưởng lợi. Khi chuyển đổi sản xuất lúa bền vững, trước nhất mang đến những lợi ích thiết thực như: giảm 20 - 30% lượng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học; giảm 20 - 40% lượng nước tiêu thụ; giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào; giảm 200.000 tấn CO2; đảm bảo ít nhất 30% lợi nhuận cho nông dân. Điều này góp phần thực hiện tham vọng đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Đề án của Bộ NN&PTNT.

Dự án TRVC sẽ hỗ trợ cho An Giang khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương. Dự án còn có phần thưởng bằng tiền mặt trị giá 57 tỷ đồng cho những nông dân tham gia và đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2027, với lượng phát thải được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định độc lập.

Ngọc Mai (T/H)