Nông nghiệp sạch

Phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao tại Bến Tre

Thứ tư, 17/4/2024 | 16:21 GMT+7
Mới đây, đoàn công tác Hội Nông dân Việt Nam đã đến thăm và làm việc về phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Thông tin với đoàn công tác, quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, các ngành chức năng trong tỉnh đã và đang mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hiện nay, việc nuôi tôm của người dân ở các vùng ven biển còn riêng lẻ, rủi ro cao. Do đó, tỉnh muốn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chuỗi ngành hàng, trong đó có ứng dụng kỹ thuật cao để giúp người dân giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng tôm nuôi để có thêm lợi nhuận bán ra. Bà Hồ Thị Hoàng Yến mong muốn lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ tỉnh trong việc mời gọi doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu trên.

Phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao tại Bến Tre

Theo đại diện Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp phát triển ngành tôm với mục tiêu đưa ngành trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện nay, Bến Tre đã có 3.100ha nuôi tôm công nghệ cao, tập trung tại 3 huyện gồm Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Với mô hình này, nhiều hộ nông dân có lợi nhuận từ 15 - 30 tỷ đồng/năm. Riêng hộ ông Lê Văn Sấm ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú đạt lợi nhuận từ 30 - 50 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, thông qua mô hình nuôi tôm công nghệ cao, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã hình thành được câu lạc bộ nông dân tỷ phú. Câu lạc bộ hoạt động khá hiệu quả, giúp các thành viên tăng thêm thu nhập và đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội.

Đoàn công tác đã tham quan doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao của ông Đặng Văn Bảy, một thành viên của câu lạc bộ nông dân tỷ phú tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng còn thiếu. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Trên thực tế, các công trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất. Tất cả những khó khăn này là trở lực lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là ngành nuôi tôm. Để giải quyết những khó khăn này, cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp nhằm tạo động lực cho phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Kim Bảo (T/H)