Năng lượng phát triển

Kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường

Thứ năm, 12/11/2020 | 10:13 GMT+7
Tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa tổ chức hội thảo lần 2 Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Tại hội thảo lần 1 tổ chức cuối tháng 8 mới đây, các cơ quan tư vấn đã báo cáo tóm tắt 5 chương đầu của đề án Quy hoạch với các nội dung trọng tâm là phương pháp luận, hiện trạng cung cầu năng lượng và tình hình thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng. Và cũng tại hội thảo đó, chúng tôi đã nhận được nhiều tham vấn từ quý vị đại biểu. Tôi được biết, sau đó liên danh tư vấn đã tiếp thu, bổ sung nhằm hoàn thiện bản dự thảo.

Tại hội thảo lần 2, các chuyên gia của liên danh tư vấn trình bày các nội dung trong khuôn khổ các chương còn lại của đề án, tập trung vào phương án phát triển năng lượng tổng thể, kèm theo đó là phương án phát triển các phân ngành năng lượng bao gồm điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo; cơ chế thực hiện quy hoạch, cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển triển bền vững trong bối cảnh phát triển năng lượng nói chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHNL) được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về mặt nội dung, việc xây dựng QHNL sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung – cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu QHNL lần này giải quyết việc phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng. Trong những năm tới, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi mạnh mẽ các chính sách chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời kỳ nhập khẩu ròng năng lượng sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của các xu thế năng lượng toàn cầu.

Bên cạnh đó, với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ phải thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Với việc càng ngày tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả những yếu tố trên cần được mô hình hóa và tính toán một cách hài hòa trong kịch bản phát triển năng lượng tổng thể.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu QHNL lần này giải quyết việc phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, các quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo… trước đây đã được các cơ quan khác nhau lập riêng rẽ nên các quy hoạch này thiếu gắn kết, không tạo ra được một bức tranh chung cân đối và hài hòa về các mục tiêu mà chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã đề ra. Hơn nữa, những quy hoạch riêng rẽ tập trung nhiều vào phía cung cấp và ít chú ý vào phía tiêu thụ năng lượng do đó, khó đưa ra một tầm nhìn tổng thể về vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng - một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá nhu cầu năng lượng quốc gia, triển khai các kế hoạch thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong Báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, QHNL lần này cần đưa ra phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu cho quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng do đó, việc lập Quy hoạch cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đồng bộ và đảm bảo tính tương thích với các quy hoạch quốc gia trên và ngang cấp. Bên cạnh đó, việc đưa ra các cơ chế thực hiện quy hoạch trong giai đoạn mới cũng cần sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan.

Báo cáo của các đơn vị thiết kế Đề án Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia cho thấy đến nay đề án đã cơ bản hoàn thành. Một trong những nội dung được các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó chính là vấn đề cơ chế: cơ chế thực hiện quy hoạch, cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong phát triển năng lượng nói chung. 

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia là 1/39 quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia cũng là 1/27 quy hoạch kết cấu hạ tầng thiết yếu của đất nước. 

Đình Tú