Khánh Hòa xây dựng nhà máy điện 2,58 tỷ USD

Thứ ba, 8/10/2019 | 09:12 GMT+7
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vừa chính thức đươc động thổ.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD. Theo kế hoạch, cả 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023. Mỗi năm, nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh. Lượng điện này được truyền tải thông qua đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng cho khu vực miền Nam.

Dự án này được triển khai từ năm 2007, nhưng đến tháng 7/2017 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tháng 10/018, dự án chính thức ký kết hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện và được cấp bảo lãnh của Chính phủ. Đây là một trong những hợp đồng thuộc văn kiện hợp tác đã được Việt Nam và Nhật Bản trao đổi tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản năm 2018 của Chính phủ Việt Nam.

Lễ động thổ dự án

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong là dự án động lực, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói chung và khu kinh tế Vân Phong nói riêng. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho hệ thống lưới điện quốc gia; giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Không chỉ vậy, dự án được kỳ vọng sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút các dự án khác đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong, phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho kinh tế Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam; triển khai đúng tiến độ, đảm bảo an toàn lao động, chất lượng công trình. Các ban, ngành liên quan cũng như chủ đầu tư phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thi công, vận chuyển, lắp đặt thiết bị, giữ vững an toàn, an ninh. Trong quá trình thực hiện, cần đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Về phía chính quyền địa phương và các cơ quan của tỉnh, ông Tuân yêu cầu thường xuyên phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhằm đưa dự án đi vào vận hành thương mại đúng năm 2023.

Tiến Đạt