02_Tintuc_NewsDetail -3Col

Lên cực Bắc, vui Tết cùng đồng bào dân tộc

Thứ năm, 8/2/2018 | 14:35 GMT+7
Không chỉ độc đáo, đặc sắc về di sản địa chất, địa tầng, kiến trúc mà đến với cực Bắc Hà Giang trong những ngày Tết Nguyên đán, du khách sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Sáng mùng 1 Tết, đàn ông Mông phải dậy nấu cơm

Trong những ngày cuối năm, đồng bào dân tộc Mông đang tất bật chuẩn bị những món ăn truyền thống cùng chơi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.

Đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên đá chuẩn bị đón Tết cổ truyền với những chiếc bánh dày, chai rượu ngô được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên cùng với gà trống sống đã được cắt tiết. Trên bàn thờ lúc này không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường - nơi mà đồng bào quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh. Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.

Đặc biệt, vào sáng mùng 1 Tết, người đàn ông Mông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc trong nhà thay vì cả năm đàn bà con gái trong nhà đã làm. Đồng bào Mông quan niệm, con trai là trụ của nhà nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Cũng trong buổi sáng ngày mùng 1 Tết, trong gia đình ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau vì theo quan niệm nếu gọi nhau sâu bọ nghe thấy sẽ đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại các loại cây trồng.

Trong 3 ngày Tết cổ truyền, mỗi gia đình Mông thường cắt, trổ giấy thành hình đồng tiền cổ như hình tròn đồng tâm, hình quả trám... Các họa tiết này được dán ở cột nhà, cửa ra vào và bàn thờ gia đình để cầu mong mọi điều tốt lành.

Người Pu Péo gánh “nước vàng, nước bạc” cầu may

Người Pu Péo là một trong những cư dân lâu đời nhất ở vùng cao cực Bắc Hà Giang. Theo hồi ức của những người già, trước kia, người Pu Péo ở nhà sàn nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu trở nên khó khăn. Vì vậy, họ đã phải chuyển sang ở nhà đất. Ngôi nhà trổ một cửa chính ở gian giữa, phía trên cao có thêm năm cửa sổ để hứng ánh sáng nên nhà ở của dân tộc này thường sáng sủa, thoáng đãng hơn những ngôi nhà trình tường của người Mông. Các cột đá kê dưới chân cửa thường được khắc hình con gà trống và mặt trời – những biểu tượng cho âm dương tương hợp, là nguồn gốc của sự sinh trưởng cũng như phồn thịnh của con người cùng vạn vật trong vũ trụ.

Có lẽ cũng bởi quan niệm này nên vào lúc giao thừa, người Pu Péo còn có tục đón giọng gà hay cướp giọng gà để cầu mong may mắn cho năm mới. Khi đến thời khắc giao thừa, người Pu Péo canh chừng mấy chú gà trống. Khi gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Người Pu Péo quan niệm: tiếng gà gáy vừa hay vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc.

Không chỉ duy trì phong tục đón giọng gà mà dân tộc Pu Péo còn có một phong tục đón Tết cổ truyền rất độc đáo. Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng nhưng lại gói hai loại bánh: bánh chưng đen (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới. Khi bước sang năm mới (qua 12 giờ đêm), nếu ai mở cửa ra ngoài thì khi vào nhà phải mang quà vào lấy may. Quà đó có khi chỉ là một bó củi.

Đặc biệt, sáng mùng 1 Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh “nước bạc, nước vàng” để cầu may... Khi đi, họ mang theo một bó hương và giấy vàng, đến mỏ nước thì đốt hương cầu khấn, sau đó lấy đầy nước vào thùng rồi bỏ giấy vàng vào đó và gánh về. Đó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, cầu cho mưa gió thuận hoà để có đủ nước cấy trồng.         

Trong ba ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày Tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.

Tục “ăn cắp” lấy may của dân tộc Lô Lô

Từ nhiều đời nay dân tộc Lô Lô vốn định cư và sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Mỗi năm người Lô Lô đón 2 cái Tết lớn, đó là Tết cả (Tết năm mới) và Tết tháng 7.

Trước đây, dân tộc Lô Lô ăn Tết Nguyên đán kéo dài suốt từ 30, mùng 1 đến tận rằm tháng Giêng. Ngày 30 Tết, nhà nào nhà nấy đều thịt lợn. Họ để cả con vật mới mổ cúng cho tổ tiên chứng giám lòng thành, sau đó mới làm mâm cỗ cúng vào tối 30 và ngày mùng 1 Tết. Và họ cũng chỉ cúng vào ngày mùng 1 và ngày 15 tháng Giêng là ngày cuối càng của Tết năm mới.

Từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người Lô Lô vẫn giữ một tập tục lạ trong ngày Tết cổ truyền là "khù mi" (ăn cắp chơi - ăn cắp lấy may). Người Lô Lô ở Hà Giang luôn quan niệm rằng, thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì gia đình sẽ gặp điều tốt lành. Do đó, vào tối 30 Tết, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng trong năm tới may mắn. Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4... tức chưa đủ 12 mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì cần kiêng kỵ, không được làm những công việc lớn vì sợ rủi ro.

Đến Hà Giang trong những ngày Tết Nguyên đán, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc mà còn có thể tham gia nhiều trò chơi truyền thống như: đánh cù, thi bắn nỏ, chơi khăng, đu quay.

Cho đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gìn giữ được rất nhiều phong tục đón Tết độc đáo. Mỗi dân tộc thiểu số đều có một phong tục, nghi lễ đón Tết khác nhau song tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tất cả mọi gia đình trong bản đều được ấm no, hạnh phúc.

Hương Đỗ