02_Tintuc_NewsDetail -3Col

Thủy điện – điểm đến du lịch hấp dẫn

Thứ tư, 1/11/2017 | 09:36 GMT+7
Thời gian gần đây, nhiều tour du lịch tới các khu vực thủy điện đã được xây dựng. Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, nhiều công trình thủy điện của nước ta đã, đang và sẽ là điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Điểm đến đầu tiên có lẽ là thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Nhà máy Thuỷ Điện Hoà Bình có 8 tổ máy được xây dựng ngầm trong lòng núi từ tháng 1/1979 đến tháng 4/1994 với tổng công công suất 1.920MW. Các hạng mục công trình gồm có: đập đất đá, tràn xả lũ, hồ chứa nước, nhà máy thủy điện, âu thuyền và trạm phân phối điện ngoài trời.

Với diện tích bề mặt hàng trăm km2, hiện nay, sức chứa của hồ thủy điện Hòa Bình lên tới hàng tỷ mét khối nước. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho phát điện,  điều tiết nước cho hạ du, nơi đây còn là nguồn cung cấp thủy hải sản nổi tiếng và là tuyến du lịch lòng hồ sông Đà rất hấp dẫn.

Đến Thung Nai – Khu du lịch sinh thái được tạo lên từ lòng hồ, bạn sẽ không thể bỏ qua cuộc thăm viếng đền thờ Bà chúa Thác Bờ nổi tiếng với sự tích nửa hư nửa thực về dòng dõi tiên nữ nhưng đã lãnh đạo dân Mường đánh đuổi ngoại xâm. Xưa, khi sông Đà chưa ngăn dòng thì Thác Bờ – ghềnh Hoa rất hiểm trở, thuyền bè qua lại bị đắm nhiều nên người dân ở đây lập nên Đền Bà chúa cầu mong Bà che chở, phù hộ cho những chuyến xuôi ngược sông Đà.

Trong tour du lịch thủy điện Hòa Bình du khách đi thăm đập tràn, đập xả, vào gian máy. Để vào được gian máy phải đi qua đường  hầm rất hoành tráng, sạch sẽ với hệ thống ánh sáng vừa lộng lẫy vừa mờ ảo khiến đường hầm giống như cung điện ngầm.

Thủy điện Trị An, Đồng Nai thời gian gần đây cũng được rất nhiều bạn trẻ tìm đến. Đây là cung “phượt” ở khu vực phía Nam. Hai bên đường vào khu vực là rừng cây tự nhiên và những hàng hoa giấy, hoa sứ rực rỡ. Đây hẳn là một cung đường “phượt” thú vị, nhẹ nhàng, dễ chịu nhưng không hề nhạt nhẽo cho những ai ít thời gian, muốn hòa mình vào khung cảnh mát dịu của miền sơn cước Mã Đà.

Hồ Trị An là hồ nhân tạo, được xây để chứa nước cung cấp cho Thủy điện Trị An. Hồ có diện tích 323 km2 với gần 40 đảo lớn và nhỏ. Ngắm hoàng hôn trên hồ cũng là một trong những điểm rất thú vị. Đứng tại cây cầu Đồng Nai có thể nhìn xuống đập xả lũ chính của hồ Trị An phía bên phải cầu. Đập này dài 420 m, cao 40 m với 8 cửa van. Vào mùa khô, dưới cầu là lòng sông trơ đá, cảm giác cứ như ở cao nguyên đá Đồng Văn được rải phẳng, chạy bát ngát về phía hạ lưu. Cao nguyên đá rải phẳng này còn có một vài hố nước đọng, chứa nước màu xanh ngọc trong vắt.

Đường vào Thủy điện do Công ty Thủy điện Trị An quản lý với những con hẻm có tên rất lạ: Bờ Hồ, Chỏi Sắt, Suối Rộp. Con đường uốn cong uyển chuyển, một bên là hồ nước, một bên là bãi cỏ chạy dài và những đồi cây tràm giấy mấp mô, nhìn như một thung lũng thu nhỏ. Sát vệ đường là cỏ dại, cỏ bông lau, hoa cỏ may hoang dại mọc ngang thắt lưng.

Theo nhiều người, với mặt hồ rộng và thiên nhiên rừng núi bao quanh, dường như thời điểm đẹp nhất của hồ Trị An là buổi sáng sớm khi màn sương mờ bay lững lờ khắp mặt hồ và buổi chiều tà, khi bạn có thể ngắm nhìn những đàn chim bói cá. Vì thế, nếu muốn đổi gió, trốn phố xá đô hội, bạn có thể về Thủy điện Trị An, lang thang dọc 20 km đường quanh hồ để cảm nhận không gian dường như chỉ của riêng mình.

Nếu miền Nam có thủy điện Trị An nên thơ, lãng mạn thì miền Trung có thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An). Đường vào thủy điện Bản Vẽ quanh co dưới những dãy núi. Những thung lũng như chất đầy những đám mây trắng xốp, mây trải ra khắp sườn đồi, quanh quẩn trên đỉnh núi rồi tràn cả xuống đường, quấn vào chân du khách.

Khám phá lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khiến du khách không muốn về. Nhiều người nói rằng, trời xanh, núi xanh, nước xanh soi bóng những đám mây xốp trắng lững lờ trôi tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Giữa mênh mông lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, giữa vẻ đẹp hoang sơ mà kỳ vĩ của núi rừng bỗng thấy con người thật nhỏ bé...

Công trình thủy điện Duy Sơn II, Quảng Nam nằm trên một ngọn đồi cao, bên những hồ nước xanh biếc, những dòng suối đá, những cách rừng phi lao thơ mộng, với tổng diện tích trên 200ha. Đây cũng là một điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách. Đến đây, du khách có thể tham quan nhà máy xử lý nước trước khi leo lên đỉnh núi thượng nguồn hoặc sinh hoạt dã ngoại trong những hang đá kỳ ảo nằm bên những dòng suối chảy từ trong vách núi ra. Khu du lịch sinh thái thuỷ điện Duy Sơn II nằm trên địa bàn xã Duy Sơn,  huyện Duy Xuyên, cách di tích kinh thành Trà Kiệu khoảng 5 km về phía Nam.

Sự hiện diện của các công trình thủy điện cũng mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư, thúc đẩy sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, kết nối giao thương, văn hóa; phát triển thủy sản, du lịch...

Khẳng định vai trò của các nhà máy thủy điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, “Các nhà máy thủy điện đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016 đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; 8 tháng đầu năm đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống), điều tiết hợp lý giá điện; tạo nhiều công việc và tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp phần lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước”.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Linh