Năng lượng sạch

Ngân hàng dành nguồn lực ưu tiên để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo

Thứ tư, 15/7/2020 | 15:48 GMT+7
Ông Lê Duy Hải, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng luôn xác định dành nguồn lực ưu tiên để đầu tư cho các dự án có liên quan đến ngành điện.

Cụ thể, với nhóm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan được áp dụng mức ưu đãi trong các khách hàng của VietinBank, lãi suất áp dụng với nhóm điện năng lượng tái tạo cũng ở mức ưu đãi so với các dự án trung, dài hạn khác mà VietinBank đang cấp tín dụng. Nguồn vốn đầu tư cho ngành điện tại VietinBank là nguồn vốn huy động thông thường từ nền kinh tế (bao gồm các tổ chức kinh tế và dân cư).

Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận, khi tiến hành thẩm định, nghiên cứu đầu tư, ngân hàng nhận thấy một số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro như sản lượng điện sinh ra từ tấm pin mặt trời, tua bin gió không đạt như kỳ vọng do nguồn dữ liệu, bức xạ mặt trời, tốc độ gió... chưa được như mong muốn. Mạng lưới, hạ tầng đấu nối bao gồm đường dây, trạm biến áp chưa đồng bộ, cho nên nhiều dự án không phát được đầy đủ công suất đầy đủ lên mạng lưới điện quốc gia.

Các ngân hàng dành nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tiến độ dự án rất gấp để kịp thời điểm áp dụng giá ưu đãi, như mốc 30/6/2019 trước đây, để áp dụng mức 9,35 cent/kwh với điện mặt trời hay mốc ngày 1/11/2021 tới đây, đối với điện gió. Nếu dự án vận hành thương mại sau thời điểm này rủi ro rất lớn, khi áp dụng giá ưu đãi và cố định.

"Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, Vietinbank triển khai các giải pháp căn cơ, có chiều sâu như đào tạo đội ngũ nhân sự tại chi nhánh, trụ sở chính... thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, đi thực tế các dự án của ngành điện. Từ đó, xây dựng các đội ngũ các chuyên gia am hiểu về ngành điện, tài chính, kỹ thuật ngành điện... để lựa chọn doanh nghiệp, dự án tốt để triển khai", ông Hải cho hay.

Cùng với đó, tư vấn khách hàng sử dụng sản phẩm bảo hiểm đặc thù cho ngành năng lượng tái tạo như bảo hiểm sản lượng, bảo hiểm trong quá trình thi công - xây dựng... hạn chế rủi ro. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan Nhà nước, đơn vị ngành điện: Bộ Công thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, EVN...) để nắm bắt kịp thời định hướng, quy hoạch và khả năng lên lưới điện của các dự án.

"Từ những thực tiễn phát triển của ngành điện, Vietinbank cần thiết phải kêu gọi nguồn lực của xã hội, bao gồm cả nguồn vốn tư nhân tham gia vào đầu tư các dự án sản xuất, truyền tải điện theo hình thức công tư PPP", ông Lê Duy Hải khẳng định.

Nam Thanh