Năng lượng phát triển

Nhiều cơ hội đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tại Togo

Thứ sáu, 13/4/2018 | 14:58 GMT+7
Ông Remy Moevi, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Togo khẳng định, cơ hội đầu tư tại Togo trải rộng trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoáng sản, du lịch, năng lượng; các chính sách thuế ưu đãi khuyến khích đầu; cơ chế quản lý, hệ thống kinh tế vĩ mô hiện đại.

Ngày 13 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, kiêm nhiệm Togo và Phòng Thương mại và Công nghiệp Togo (CCIT) tổ chức Hội thảo thương mại và đầu tư Việt Nam – Togo. Hội thảo diễn ra với sự tham gia của 50 doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông sản, logistic, vận tải, thủy hải sản đông lạnh, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, máy nông nghiệp, đồ gỗ...

Tại Hội thảo, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã có bài phát biểu về quan hệ kinh tế thương mại song phương và chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua cũng như các cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Togo. Năm 2017, quan hệ thương mại song phương đã có bước đột phá mạnh mẽ với tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Togo đạt 146 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 93 triệu USD, tăng 90% và nhập khẩu từ Togo 53 triệu USD, tăng 80% so với năm 2016. Đây là mức tăng trưởng thương mại cao nhất giữa hai nước trong 05 năm gần đây.

Ông Remy Moevi, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Togo đã có bài phát biểu giới thiệu thị trường và cơ hội hợp tác kinh doanh tại Togo. Togo được biết đến là trung tâm tài chính của Tây Phi, là nơi đặt trụ sở của nhiều Quỹ Phát triển và ngân hàng khu vực như Quỹ Phát triển Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Ngân hàng phát triển Tây Phi (BOAD)... Với lợi thế cảng biển Lomé phát triển, Cộng hoà Togo là một trong những trung tâm quá cảnh và dịch vụ của khu vực Tây Phi, có nhu cầu lớn về nhập khẩu hàng hóa, không chỉ nhằm đáp ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước mà còn tái xuất sang những quốc gia lân cận như Mali, Burkina Faso và Niger.

Ông Moevi nhấn mạnh các lợi thế của Togo bao gồm: môi trường ổn định, an toàn; Togo là một trong những trung tâm quá cảnh và dịch vụ của khu vực Tây Phi với lợi thế cảng biển Lomé và hàng không phát triển; lợi thế về thuế cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; cơ hội đầu tư tại Togo trải rộng trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoáng sản, du lịch, năng lượng; các chính sách thuế ưu đãi khuyến khích đầu; cơ chế quản lý, hệ thống kinh tế vĩ mô hiện đại.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Việt nam có dịp trao đổi về chính sách nhập khẩu hàng hóa, thủ tục thành lập doanh nghiệp, các thủ tục đầu tư nhà máy chế biến, quy định xuất nhập cảnh của Togo. Các mặt hàng hai bên quan tâm gồm có gạo, bông, điều, gỗ, vận tải, thủy hải sản đông lạnh, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, máy phát điện...

Hải Đăng