Văn hóa, du lịch

Phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam

Thứ hai, 21/12/2020 | 22:49 GMT+7
Mới đây, tại Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 11, Thủ tướng ba nước đã khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nâng cao hiểu biết về mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” và thúc đẩy du lịch bền vững.

Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển (TGPT) Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) được xây dựng và triển khai thực hiện sẽ góp phần kết nối các tiềm năng du lịch của ba nước, hình thành các tuyến du lịch, kết nối các điểm đến; tạo sự lan tỏa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực này và từ đó mở rộng ra các địa phương khác trong phạm vi ba nước. Đồng thời thúc đẩy mục tiêu của khuôn khổ hợp tác là “Tăng cường đoàn kết, hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực”.

Kế hoạch là tài liệu chiến lược vùng liên quan đến phát triển du lịch tại 13 tỉnh trong khu vực TGPT của ba nước bao gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam).

Du lịch mạo hiểm khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam

Khu vực TGPT có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đặc sắc, phần lớn còn hoang sơ, nguyên vẹn chưa được khai thác nhiều chưa bị thương mại hóa. Khu vực TGPT CLV cũng là nơi chứa đựng nhiều di sản văn hóa quan trọng trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận: 1 di sản văn hóa vật thể (Wat Phou, Lào) và 1 di sản văn hóa phi vật thể (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam); nhiều di sản, di tích, lễ hội khác và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số hết sức độc đáo.

Trong giai đoạn tới, ba nước sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của khu vực, khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng để phát triển du lịch. Kết nối, hình thành khối liên kết, điểm đến chung thống nhất để kết nối các địa phương, các khu du lịch tầm cỡ, tạo dựng thương hiệu du lịch khu vực TGPT. Phát triển du lịch khu vực TGPT CLV theo hướng bền vững và có trách nhiệm, gắn với bảo vệ môi trường; bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch; phát huy truyền thống bản sắc dân tộc, kết hợp giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội. Coi phát triển du lịch cộng đồng là biện pháp thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực. 

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, các tỉnh khu vực TGPT CLV sẽ đón 3,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt mức tăng trưởng trung bình 14%/năm. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được hoàn thiện, có 2 - 3 khách sạn/khu nghỉ từ 3 - 4 sao tại các trung tâm du lịch của khu vực; có hệ thống homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Từng bước hình thành được các dòng sản phẩm du lịch có lợi thế của khu vực TGPT CLV để xây dựng thương hiệu về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa lịch sử, di sản.

Trải nghiệm du lịch văn hóa lịch sử, di sản tại Tây Nguyên

Bên cạnh đó, nhân lực du lịch sẽ được cải thiện, kể cả ở các địa bàn khó khăn. Thu hút được sự tham gia có ý thức, trách nhiệm và được đào tạo của doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đến năm 2030, dự kiến hình thành được điểm đến khu vực TGPT có các điểm đến hấp dẫn; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển; số lượng khách quốc tế đến đạt gấp 2 lần so với năm 2025.

Để tạo điều kiện cho khách du lịch đến khu vực dễ dàng hơn, lãnh đạo các bên cần xem xét việc nâng cấp một số cửa khẩu biên giới thành cửa khẩu quốc tế như Đắk Peur (Đắk Nông) - Nam Lyr (Campuchia), đáp ứng nhu cầu hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Ngoài ra, cần đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về thủ tục hải quan đã được thống nhất áp dụng trong khối ASEAN. Thống nhất quy trình, đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan và cấp thị thực tại cửa khẩu. Nghiên cứu phát triển các trung tâm kiểm soát xuất nhập cảnh, hải quan liên hợp tại các cửa khẩu chính giữa các nước để đơn giản hóa tối đa thủ tục đối với khách du lịch, đặc biệt là khách đi theo đoàn; cũng như nghiên cứu tạo thuận lợi về thị thực cho thị trường khách thứ ba.

Thanh Tâm