Văn hóa, du lịch

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ hai, 29/5/2023 | 11:08 GMT+7
Mới đây, phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ về mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra thực tiễn từ hoạt động du lịch của nước ta thời gian qua cũng như công tác thu hút đầu tư.

Bộ trưởng cho biết, ở góc độ là Bộ quản lý nhà nước về du lịch, Bộ VHTT&DL đã tổ chức nhiều phiên làm việc, khảo sát, điều tra nắm bắt và đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức 2 hội nghị là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và Hội nghị toàn quốc về du lịch lần thứ 3. Qua đó đề cập đến 2 điểm nghẽn quan trọng trong phát triển du lịch là: hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư phát triển du lịch và chính sách thị thực cho khách du lịch.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong đó, chính sách thị thực còn nhiều điểm chưa phù hợp do thời hạn tạm trú ngắn, nếu như so sánh với các quốc gia khác thì Việt Nam không có lợi thế về độ mở, độ thông thoáng. Để giải quyết vấn đề này, việc nâng hạn thị thực điện tử, cấp thị thực điện tự, giấy chứng nhận tạm trú… tăng số lượng quốc gia cấp thị thực điện tử là phù hợp và nằm trong lộ trình, bước đi, có tính cân đối của quốc gia. Theo Bộ trưởng, việc nâng thời hạn thị thực điện tử có thể từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú… Điều này sẽ giúp du khách thấy được Việt Nam có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và sớm đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ nằm ở chính sách thị thực, mà phải chú ý đến hạ tầng du lịch. Cụ thể, hạ tầng du lịch phải được quan tâm đầu tư một cách tương ứng, sản phẩm du lịch phải là cái gốc và sản phẩm du lịch phải dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa của đất nước, của từng địa phương. Từ đó, Bộ VHTT&DL khuyến nghị mỗi địa phương phải có một sản phẩm độc đáo về du lịch, luôn luôn làm mới các sản phẩm du lịch và phải đảm bảo dịch vụ du lịch thực sự chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, phải quan tâm chú ý đến nguồn nhân lực du lịch để chuyên nghiệp hóa cũng như tăng sức cạnh tranh với các thị trường, khu vực khác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nếu đồng bộ các giải pháp, du lịch sẽ thực hiện vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương về phát triển ngành kinh tế tổng hợp này.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về việc sửa đổi chính sách thị thực, thời gian lưu trú để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phục hồi và phát triển.

Ngọc Mai (T/H)