Công nghệ Giao thông

Phát triển giao thông xanh

Thứ tư, 20/12/2023 | 08:00 GMT+7
Ngày 19/12, tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh" diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo “Khoa học vì Cuộc sống” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.

GS. Soumitra Dutta, Hiệu trưởng trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture đồng thời là chủ tọa của tọa đàm nhận định, tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới. Sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số. Do đó, một tương lai về sự đổi mới của các phương tiện giao thông rất đáng mong đợi.

Tại tọa đàm, chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý 2010 - GS. Sir Kostya S.Novoselov nhấn mạnh tầm quan trọng của trạm sạc đối với giao thông xanh. GS. Novoselov dự báo, 5 năm tới là thời gian bùng nổ của ngành khoa học vật liệu với nhiều loại vật liệu năng lượng mới được sáng chế từ các công nghệ điện phân, công nghệ màng, công nghệ hóa sinh lion… Sự bùng nổ vật liệu sẽ tạo ra nguồn năng lượng xanh dồi dào nhưng cũng đặt ra vấn đề về cơ sở hạ tầng.

Các trạm sạc có theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hay không, có đáp ứng được công nghệ mới không, công suất pin có đủ lớn không, liệu có thể chế tạo loại pin mới tích hợp với xe điện để đi được hơn 100.000 dặm hay không… Đó lý do tôi cho rằng, song song với nghiên cứu vật liệu, sản xuất năng lượng xanh thì ta cần phải nghĩ tới công nghệ tích điện, trạm sạc. Ta cần đầu tư nhiều hơn vào phần hạ tầng vận chuyển, kết nối năng lượng này để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn, GS. Novoselov chia sẻ.

Theo các chuyên gia, tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới

GS. Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) chia sẻ, nhóm nghiên cứu của ông đã thí nghiệm thành công mô hình trạm sạc sử dụng tấm panel điện mặt trời trên mẫu thí nghiệm là chiếc xe VF6 do VinFast tài trợ. Mô hình này có khả năng lưu trữ năng lượng thừa trong giờ thấp điểm và cung ứng nặng lượng dồi dào trong giờ cao điểm, phục vụ một cộng đồng cư dân lớn có thu nhập thấp ở bang California với mức giá phải chăng. GS. Kammen khẳng định, để phát triển giao thông xanh, các quốc gia như Việt Nam có thể bắt đầu từ mô hình trạm sạc quy mô nhỏ như trên.

Theo GS. Novoselov, mục tiêu phát triển bền vững hay phát thải bằng 0 vào năm 2050 không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào đầu tư hạ tầng. Làm sao phát triển đủ hệ thống trạm sạc cung ứng cho nhu cầu sử dụng, đồng thời tại một trạm sạc có đủ các loại hình nhiên liệu tương thích với các loại phương tiện giao thông khác nhau là một bài toán cần nghiên cứu, giải quyết.

An Vinh (t/h)