Năng lượng mặt trời

Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới

Thứ tư, 22/7/2020 | 20:17 GMT+7
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 (Vietnam Energy Summit 2020), hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về Định chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này Bộ Chính trị đã xác định rõ các quan điểm, chủ trương và đề ra các chính sách về chuyển dịch năng lượng, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Cụ thể là: xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Hội thảo “Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Để triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương tại Nghị quyết 55, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan tổ chức hội thảo “Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để làm rõ xu thế và khả năng phát triển năng lượng mặt trời, các dạng năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19.

Khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, nhất là nguồn năng lượng mặt trời tương đối ổn định, số giờ năng ở nhiều địa phương có thể lên tới 2.400 giờ/năm, phân bố chủ yếu tại các vùng Tây và Đông Bắc, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng Mê Kông. Bên cạnh đó, tiềm năng nguồn năng lượng gió và địa nhiệt khá lớn. Theo khảo sát sơ bộ, tổng công suất những nhà máy địa nhiệt nếu được xây dựng ở Việt Nam có thể lên tới khoảng trên 400 MW tập trung tại vùng Tây Bắc, Đông Bắc, khu vực miền Trung như: Lệ Thủy (Quảng Bình), Mộ Đức, Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi), Hội Vân (Bình Định), Tu Bông, Đảnh Thạnh (Khánh Hòa). Ngoài ra, còn một số nguồn năng lượng khác như sóng biển, thủy triều, hải lưu, sinh khối. 

Tuy nhiên, năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng khác ở Việt Nam vẫn đang phát triển ở giai đoạn ban đầu: tiềm năng phát triển khá cao nhưng tương lai vẫn còn nhiều thách thức: nguồn địa nhiệt và các nguồn năng lượng tái tạo khác chậm được khai thác; dung lượng dự trữ, công suất lưới điện là vấn đề trở ngại, là nguyên nhân khiến cho năng lượng mặt trời khó phát triển; việc tích hợp vào hệ thống lưới điện sẵn có vốn chỉ được thiết kế để sản xuất điện tập trung, không phải dành cho nguồn điện thiếu ổn định, phân tán như điện mặt trời. 

“Do vậy, hội thảo ngày hôm nay trên tinh thần bám sát những mục tiêu cụ thể và tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng, lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận và đóng góp ý kiến để làm rõ những vấn đề sau:

Thứ nhất, cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng mới, năng lượng mặt trời nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch, ưu tiên dự án sử dụng năng lượng mặt trời cho phát điện, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.

Thứ hai, điều kiện hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch, năng lượng mặt trời tại các vùng, địa phương có lợi thế.

Thứ ba, chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng điện mặt trời, thông tin và xu hướng phát triển công nghệ mới trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng mới.

Thứ tư, phân tích và chỉ ra những cơ hội, thách thức, những khó khăn và thuận lợi trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”,  Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ về mô hình xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng tái tạo độc lập cho 1 dự án khu công nghiệp và đề xuất các cơ chế, chính sách; điện mặt trời áp mái và giải pháp cho các khu đô thị...

Các đại biểu cũng trao đổi về cơ hội, thách thức đầu tư vào năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng mới tại Việt Nam; cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng mặt trời; giải pháp tối ưu hóa cơ cấu điện và tích hợp năng lượng tái tạo...

Cẩm Hạnh