Nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam

Thứ năm, 20/7/2023 | 11:36 GMT+7
Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mới đây, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức”.

Theo thông tin tại hội nghị, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đang là một trong những xu hướng được nhiều nông dân, hợp tác xã áp dụng, đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu nghiên cứu về các mô hình quản trị số để thiết kế phần mềm phù hợp với nhu cầu của chuỗi giá trị; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp chưa phát triển; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; các sản phẩm cho nông nghiệp thông minh trên thị trường chưa đồng bộ hoặc không giao tiếp được với nhau; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…

Trong khi đó, các chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh rằng, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối: người sản xuất có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin, các dịch vụ công về nông nghiệp của Nhà nước, từ đó quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính.

Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao

Mặt khác, các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất từ nền nông nghiệp thông minh cũng sẽ đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi...

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chủ trương phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã được thể hiện trong các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua.

Cụ thể, phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt, phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ tạo sự đột phá, trong đó phát triển công nghệ sinh học, công nghệ giống, vườn ươm; phát triển mối liên kết xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến.

Hội nghị lần này sẽ là dịp để truyền tải các chủ trương, chính sách để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và hướng đến phát triển nền nông nghiệp sinh thái, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng lắng nghe, trao đổi về vấn đề khởi nghiệp với nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp địa phương và quốc gia.

Ngọc Huyền