Tích cực triển khai hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước

Thứ sáu, 2/2/2024 | 14:39 GMT+7
Công tác quản lý tài nguyên nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2023, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước.

Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến tháng 1/2024, cả nước có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành 122 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước.

Về điều tra cơ bản tài nguyên nước, có 5/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Nghệ An, Lào Cai. Theo số liệu thống kê, tính đến nay, có 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phê duyệt, công bố Danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định gồm: Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Sơn La, Quảng Nam, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam, Lạng Sơn, Gia Lai, Bình Phước, Nghệ An, Bình Định, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Bình Dương, Hậu Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hải Phòng và Tiền Giang.

Hiện có 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt tỷ lệ 52,4%) đã thực hiện việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho các công trình trên địa bàn tỉnh.

Tiến hành điều tra cơ bản tài nguyên nước

Năm 2023, các địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước (54/63 địa phương nộp báo cáo). Các Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Theo đó, tại 61 tỉnh đã cấp được 1.928 giấy phép tài nguyên nước các loại.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước đã được Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức như: thông qua hội nghị giao ban; tổ chức lồng ghép phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước....

Các Sở cũng tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng thông qua một số chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình, phóng sự, bản tin thời sự… Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác quản lý tài nguyên nước còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Vì vậy, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện năm 2024. Đó là: xây dựng, trình ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Mê Kông.

Xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước để đầu năm 2025 trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước. Lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba, Cả, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh trình Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số: duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được cấp phép; thúc đẩy việc xây dựng bản đồ số dự báo cảnh báo hạn hán thiếu nước kết nối với hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều hòa, công bố kịch bản nguồn nước.

Phối hợp với Cục kiểm soát ô nhiễm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sức chịu tải của nguồn nước liên tỉnh và để Bộ trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Ba, Trà Khúc, Kôn, Sê San, Srepok.

Tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước, nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với các công trình khai thác sử dụng nước.

Đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đề xuất nhiệm vụ mới nhằm phục vụ việc thực thi Luật Tài nguyên nước, tập trung vào các nội dung về an ninh nguồn nước; hạch toán tài nguyên nước; sử dụng nước tuần hoàn, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động của tổ chức lưu vực sông; tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mê Kông trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Kông và chia sẻ thông tin về xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước theo thời gian thực. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, quản lý tài sản, tài chính, cải cách thủ tục hành chính.

Tiếp tục thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, các dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được duyệt đảm bảo hiệu quả, chất lượng và tiến độ, thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 trong việc triển khai đề án phục hồi sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Kế hoạch, hội nghị về hợp tác tài nguyên nước với khu vực và quốc tế.

Mỹ Dung (T/H)