Khoa học công nghệ

Tiết kiệm điện trong nông nghiệp: “Cắt” 500 tỷ đồng nhờ đèn compact

Thứ năm, 13/4/2017 | 11:00 GMT+7
Chương trình Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact giai đoạn 2014 - 2016 không chỉ làm lợi được cho nông dân hơn 500 tỷ đồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

(Ảnh minh họa)

Tại các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, thanh long là một trong những sản phẩm nông sản thế mạnh. Nhờ mặt hàng này, mỗi năm các địa phương thu được hơn 86 triệu USD. Có được kết quả này một phần là nhờ kỹ thuật chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ.

Hiểu được vai trò của loài cây này đồng thời nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả của việc chong đèn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã triển khai Đề án “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện giai đoạn 2014-2016”. Sau hai năm triển khai, đề án này đã đang mang lại những lợi ích to lớn đối với bà con nông dân.

Theo ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVN SPC, thời điểm tháng 1/2014, tại 3 tỉnh gồm Bình Thuận, Long An và Tiềng Giang, có hơn 23.000ha trồng thanh long sử dụng hơn 6 triệu bóng tròn sợi đốt loại 60W để chiếu sáng kích thích cây ra hoa trái vụ.

Với lượng bóng đèn như vậy, nhu cầu công suất đỉnh đạt khoảng 252 MW, chi phí tiền điện tốn rất cao. Khi đưa bóng đèn compact 20W thay thế bóng đèn sợi đốt loại 60 - 75W chong thanh long, chi phí đã giảm hẳn.

Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, ông Trần Đức Thuấn - nông dân canh tác 3,7ha thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) - cho biết, trước đây nếu sử dụng bóng đèn sợi đốt, chi phí tiền điện tăng thêm khoảng 20-30 triệu đồng/vụ. “Nhưng từ khi dùng đèn compact, gia đình tôi đã giảm được chi phí trên, trong khi năng suất vẫn giữ nguyên. Hơn thế nữa, gia đình lại được ngành điện hỗ trợ đầu tư thiết bị ban đầu”- ông Thuấn chia sẻ.

Đánh giá về kết quả dự án, ông Đức cho hay, sau hai năm thực hiện, đã có 2.323 hộ dân tham gia chương trình và chuyển đổi được 2.065.269 đèn compact, trong đó 268.075 đèn thực hiện theo hình thức trả ngay và 6.650 đèn thực hiện theo hình thức trả chậm.

“Nếu tính tiền điện tiết kiệm theo tuổi thọ của bóng đèn (4.000 giờ) của 2.065.269 bóng đèn và sản lượng điện tiết kiệm ở mức 330GWh, giá trị tiền điện tiết kiệm được là 500 tỷ đồng”- ông Đức phân tích.

Mặt khác, khi dùng đèn compact để chong thanh long, ngành điện còn giảm được công suất đỉnh trên hệ thống 56 MW, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh; tiết kiệm vốn đầu tư nguồn và lưới điện tạo cơ hội để đầu tư cho các công trình cấp bách khác.

Theo tính toán của ngành điện, nếu tính giá trị đầu tư bình quân 1,2 triệu USD/1 MW, tương đương 26,5 tỷ đồng thì việc dùng đèn compact đã làm giảm áp lực đầu tư hoặc giãn tiến độ đầu tư công trình điện được 67 triệu USD (1.475 tỷ đồng).

Tính riêng do giãn tiến độ đầu tư trạm 110KV và đường dây 22KV thì giá trị tiết kiệm chi phí do giảm đầu tư vào khoảng 5 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, đề án còn giúp cắt giảm hơn 200.000 tấn CO2, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Với những lợi ích thiết thực cho cả ngành điện, cho bà con và môi trường, đại diện EVN SPC kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cần có cơ chế hỗ trợ chi phí cho nông dân tại các địa phương khác trồng thanh long đổi và duy trì sử dụng bóng đèn compact. Bên cạnh đó, cần có lộ trình ngừng sản xuất, sử dụng đèn sợi đốt có công suất lớn để việc tuyên truyền, vận động nông dân trồng thanh long sử dụng đèn tiết kiệm điện có hiệu quả.

Nguồn: Báo Công Thương