Năng lượng phát triển

Tư nhân tham gia phát triển năng lượng sạch: Cần cơ chế giá ổn định, hợp lý

Thứ hai, 13/7/2020 | 10:08 GMT+7
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, khi các nhà đầu tư đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo với cơ chế giá được khuyến khích thì cũng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân.

Tại tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch” do báo Nhân Dân điện tử tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, thời gian qua những đóng góp của khu vực ngoài nhà trong phát triển ngành điện là rất đáng kể.

"Chúng ta có thể tính đến một loạt các dự án nguồn điện lớn được đầu tư theo hình thức BOT. Đây là những dự án nguồn điện rất lớn, quan trọng và đã được các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân...) tiến hành đầu tư. Việc đầu tư vào các dự án như vậy giảm áp lực, giảm gánh nặng trong việc thu xếp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư cho cung cấp điện phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển năng lượng cần sự tham gia của kinh tế tư nhân. (Ảnh minh họa)

Việc phát triển năng lượng tái tạo cũng đã phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn lớn, hoàn toàn do tư nhân đầu tư. Cụ thể, về phát triển điện mặt trời, đến nay có khoảng 92 dự án với tổng quy mô công suất 5.000MW đã đi vào vận hành. Đối với điện gió, có khoảng 10 dự án với tổng quy mô công suất 400kW cũng đã đi vào hoạt động", ông Tuấn nói.

Chia sẻ về việc tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, ông Tuấn cho rằng, từ kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua, thì chính sách quan trọng nhất là tín hiệu về giá để thu hút đầu tư tư nhân. Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận thì họ sẽ đầu tư. Việc này áp dụng cho ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung. Thậm chí, có nhà đầu tư còn có thể bỏ cả vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải.

Bộ Công Thương cũng đã tính toán mức giá cho các dự án năng lượng tái tạo trên cơ sở sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế, tính toán đầy đủ các chi phí để phát triển các loại hình năng lượng tái tạo khác nhau; trong đó bao gồm cả chi phí đầu tư, chi phí quản lý vận hành, thậm chí cả chi phí vốn. Từ đó, xác định một mức lợi nhuận hợp lý cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, việc này có một đặc thù là hiện nay giá của năng lượng tái tạo biến đổi rất nhanh, chính vì vậy cơ chế về giá cố định cũng sẽ chỉ áp dụng trong giai đoạn cố định, mặc dù cơ chế này thời gian qua phát huy hiệu quả rất tốt, thu hút được đầu tư. 

Là đơn vị tư nhân đầu tiên đầu tư xây dựng đường dây truyền tải điện, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng, để truyền tải đường dây xuyên quốc gia với tư nhân phải nói là việc quá lớn. Truyền tải trong phạm vi hẹp là tư nhân có thể tham gia. Nhưng để tham gia phải vừa có quy hoạch, vừa có giá tốt của Chính phủ khuyến khích…

"Phải có cơ chế vận hành như thế nào, thuê lại như thế nào, cho phép anh truyền tải 1KW như thế nào… Chúng tôi muốn Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có cơ chế thúc đẩy việc này, dù biết rằng đây không phải việc một sớm một chiều. Nếu không Nghị quyết ra cũng để đó", ông Tiến đề xuất.

Nam Yên