Nông nghiệp sạch

Ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, 4/11/2022 | 15:45 GMT+7
Ngày 4/11, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn Kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối thông tin cung cầu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân. Đồng thời, hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX và nông dân trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trọng Đảm, thành viên Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cho biết: Việc chuyển đổi số sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc hạ giá thành, nâng cao giá trị nông sản. Công cuộc chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Phải xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một hành trình, một cuộc tìm kiếm và áp dụng không bao giờ có điểm dừng.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Nguyễn Đức Tùng, Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam đang được Bộ NN&PTNT triển khai. Tuy nhiên, dù đã có lộ trình và hướng đi cụ thể nhưng cộng đồng doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: chính sách chưa được đồng bộ; hạ tầng công nghệ chưa theo kịp với nhu cầu; doanh nghiệp và nông dân chưa được đào tạo, định hướng về việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn của thị trường xuất, nhập khẩu…

Ông Nguyễn Đức Tùng cho rằng, để chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ không phụ thuộc vào thị trường, không mang tính tự phát thì việc xây dựng chương trình đào tạo phát triển nhóm lao động có tri thức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân là rất cấp thiết. Nhóm chủ chốt này sẽ đẩy nhanh quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ cho các quy trình canh tác, nuôi trồng, chế biến… trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó thay đổi vị thế của nông dân trong nền nông nghiệp nước nhà bằng chuyển đổi số.

Diễn đàn Kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh thông tin thêm, hiện nay, trong nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp đều đã áp dụng công nghệ số như quản lý đồng ruộng, sử dụng mobile app (phần mềm trên điện thoại di động), drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến thức ăn, tự động hóa vệ sinh chuồng trại. Đây là xu thế tất yếu, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản. Bên cạnh đó, Tổ khuyến nông cộng đồng của trung tâm cũng đang được thí điểm ở 13 tỉnh, với 26 tổ được số hóa ngay từ khâu đầu chuỗi sản xuất cho bà con nông dân.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, có hai mặt hàng đang ứng dụng mạnh chuyển đổi số là lúa và cà phê, tiếp đó là ngành nuôi trồng thủy sản. Trung tâm ở các tỉnh cũng đang hỗ trợ mạnh cho bà con nông dân về bán hàng online, đào tạo online để tạo điều kiện cho nhiều người cùng được tiếp cận tài liệu. Ngành hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu, Mỹ cũng đang áp dụng chuyển đổi số, từng bước đảm bảo chất lượng, thương hiệu vững chắc.

Mặt khác, chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ, Văn phòng Nông thôn mới Trung ương đang triển khai xếp hạng sản phẩm OCOP tại các hội đồng y tế, công thương, văn hóa, môi trường theo thang điểm chặt chẽ. Để tiết kiệm thời gian và chi phí in ấn, văn phòng đã số hóa việc chuẩn bị hồ sơ OCOP từ cấp huyện lên tỉnh, đưa số liệu từ cấp đăng ký, nhập liệu, chứng nhận VietGAP... vào hệ thống dữ liệu của 8.565 sản phẩm OCOP; đồng thời số hóa các thủ tục hành chính khác.

Việc áp dụng chuyển đổi số ngay từ khâu đăng ký, có thể giúp giám sát quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng sản phẩm, cũng như biết được các sản phẩm được cải tiến, nâng cao chất lượng như thế nào thông qua thang điểm đánh giá.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng và áp dụng khoa học công nghệ nói chung là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy nông nghiệp. Thời gian tới, dư địa trong nông nghiệp sẽ không đến từ điều kiện tự nhiên mà đến từ tri thức số, tri thức ngành. Theo đó, nghề nông dân chuyên nghiệp sẽ sớm trở thành hiện thực. Thông qua tri thức số, người nông dân sẽ làm chủ không gian số để phát triển nông nghiệp ngày càng tốt hơn.

Phương An