Năng lượng mặt trời

Ứng dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm

Thứ ba, 20/8/2019 | 12:17 GMT+7
Miền Nam Việt Nam có lợi thế rất lớn trong việc phát triển năng lượng mặt trời. Ứng dụng nguồn năng lượng này trong nuôi tôm là một hướng đi đúng đắn nhưng vẫn còn một số vướng mắc ở cơ chế.

Theo báo cáo tham luận "Cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm" của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) tại hội nghị “Thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam” diễn ra tại Bạc Liêu mới đây, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng bức xạ mặt trời cao với tổng bức xạ năng lượng mặt trời (NLMT) đến bề mặt trái đất theo chiều ngang trung bình (GHI - Global Horizontal Irradiation) là 04 kWh/m2/ngày tại khu vực miền Bắc và 4,2 - 5 kWh/m2/ngày tại khu vực miền Trung, miền Nam.

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn NLMT sử dụng hầu như quanh năm. Ở miền Nam, từ Ninh Thuận trở vào, NLMT rất tốt và phân bố tương đối điều hòa trong suốt cả năm. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói hơn 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng NLMT để sản xuất điện. Đây là khu vực có tiềm năng NLMT tốt nhất và ứng dụng NLMT rất hiệu quả.

Ứng dụng những lợi thế đó vào một trong những ngành phát triển nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, EVN SPC đang nghiên cứu và triển khai hệ thống NLMT trong nuôi tôm. Trong đó, Tổng công ty đưa ra những lợi ích trước mắt như: đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường.

Ứng dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm

Bên cạnh đó, khách hàng có thể chủ động trong việc cấp điện cho sản xuất, giảm áp lực về nguồn của ngành điện, lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia ngành điện sẽ mua lại với giá quy định của Nhà nước. Tận dụng mặt đất, mặt nước trong nuôi tôm để xây dựng công trình giá trị gia tăng, giảm giá thành trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong bài trình bày về ứng dụng năng lượng mặt trời thông minh trong ngành tôm trong khuôn khổ hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Vĩnh Khương, kỹ sư giải pháp trí tuệ nhân tạo đã đưa ra những lợi ích trước mắt cho hộ nuôi tôm có nhu cầu sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất: Đáp ứng nhu cầu điện năng một phần cho hệ thống tải tiêu thụ cho các thiết bị sục khí của khu nuôi tôm hoạt động với hệ thống pin mặt trời, giảm nhiệt độ cho một phần ao nuôi tôm, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tăng tính ổn định, tiết kiệm nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt, phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi lắp đặt, thể hiện sự hiện đại của công trình và góp phần bảo vệ môi trường, thể hiện mục tiêu phát triển xanh - bền vững.

Tuy nhiên, phía EVN SPC cũng trình bày những vướng mắc về cơ chế đầu tư trong việc triển khai hệ thống NLMT hiện nay như: chưa có quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về các thiết bị điện mặt trời, chưa có đơn vị thực hiện chức năng xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị điện mặt trời, chưa có quy định về xây dựng đảm bảo an toàn, thẩm mỹ khi lắp đặt.

Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho sự phát triển bền vững hệ thống NLMT trong nuôi tôm rất cần sự hợp tác đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, khách hàng trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để cấp điện cho sản xuất.
 

Thanh Tâm