Sức khỏe

Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27

Thứ tư, 25/10/2023 | 11:09 GMT+7
Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và cơ hội" với hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài nước đến dự, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu.

Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần này sẽ diễn ra từ ngày 2 - 5/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), do Hội Tim mạch học Việt Nam đăng cai tổ chức. Đại diện Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, đây là sự kiện quan trọng, mang tầm quốc tế của chuyên ngành tim mạch nước nhà, là cơ hội cho các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật, bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Đại hội cũng là cơ hội lan tỏa những thông điệp sức khỏe đến người dân trong công cuộc phòng chống lại bệnh lý tim mạch đang gia tăng ở nước ta, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân Việt Nam.

Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 với chủ đề "Giao thoa tim mạch: Thách thức và cơ hội" 

Theo thông tin từ ban tổ chức, chương trình hội nghị khoa học được lên kế hoạch phong phú với hơn 80 phiên khoa học, bao gồm 750 bài báo cáo, diễn ra liên tục cùng lúc ở 10 hội trường. Bên cạnh những chủ đề khoa học thường quy như: can thiệp tim mạch, siêu âm tim, điều trị rối loạn nhịp tim… chương trình năm nay sẽ có thêm nhiều phiên khoa học đặc biệt, đáng chú ý với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch châu Âu)…

Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, mỗi năm cướp đi 19,5 triệu sinh mạng (theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022), chiếm khoảng 1/3 ca tử vong do mọi nguyên nhân. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Bên cạnh đó, gánh nặng bệnh tật và chi phí cũng tăng đáng kể.

Ngành tim mạch Việt Nam những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, hội nhập được sâu rộng cùng thế giới, đã triển khai ứng dụng được kỹ thuật tiên tiến có thể sánh ngang các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, hầu hết các bệnh lý tim mạch đã có thể được chẩn đoán và điều trị trong nước một cách kịp thời, hiệu quả. Người bệnh tim mạch trong nước cũng có cơ hội tiếp cận thành tựu khoa học trong lĩnh vực tim mạch tiên tiến ngay tại chỗ mà không còn phải ra nước ngoài.

Ngành tim mạch Việt Nam gia nhập cộng đồng tim mạch ASEAN từ năm 2004, đến nay luôn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của khu vực. Năm 2008, Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội gây được tiếng vang lớn với các nước thành viên trong Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á cũng như các cộng đồng tim mạch khác trên thế giới bởi quy mô, chất lượng chương trình cũng như sự chu đáo. Tiếp nối thành công đó, năm nay ban tổ chức đang tích cực phối hợp với các bên liên quan để xây dựng chương trình quy mô, hấp dẫn, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất.

Khánh An