Trong nước

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi đầu đô thị thông minh

Thứ tư, 24/6/2020 | 16:01 GMT+7
Các tỉnh, thành phố trong Vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh, với phương châm hành động cụ thể, hiệu quả để Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam đi đầu trong phát triển các mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử, đô thị thông minh và trở thành vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng yêu cầu, vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa với vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển của cả nước, đóng góp vào sự phát triển chung vì mục tiêu tạo nên một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Các tỉnh, thành phố trong Vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh, với phương châm hành động cụ thể, hiệu quả để Vùng KTTĐ phía Nam đi đầu trong phát triển các mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử, đô thị thông minh và trở thành vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần.

Đặc biệt, Vùng KTTĐ phía Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư thế giới. Chủ động, sáng tạo và quyết tâm, hành động cao nhất để Vùng KTTĐ phía Nam sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án về cơ chế đặc thù vùng, bao gồm cả vấn đề ngân sách cho Vùng KTTĐ, trong đó có Vùng KTTĐ phía Nam, đảm bảo tính toàn diện, phù hợp đặc trưng của Vùng KTTĐ, tạo điều kiện cho Vùng KTTĐ phía Nam tăng tốc, phát triển bền vững; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách của vùng KTTĐ phía Nam.

(Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn sớm các địa phương trong Vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và Vùng, sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó chủ động nghiên cứu, rà soát, và tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ công tác của Chính phủ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khẩn trương triển khai hoạt động, tăng cường cơ chế phối hợp, xử lý công việc; đảm bảo mọi điều kiện để kịp thời thu hút hiệu quả xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng cao. Triển khai các biện pháp phù hợp, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp trong nước bị lợi dụng thâu tóm thông qua mua, bán, sáp nhập và đổi tên; việc đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết chống việc thu hút đầu tư các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại, giá trị gia tăng thấp (chủ yếu gia công, sử dụng lao động giá rẻ …). Đồng thời, coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Về hạ tầng cơ sở, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, lan tỏa, tạo liên kết vùng (các công trình kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, trục hướng tâm, vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc tế); giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phát triển hạ tầng số hiện đại, ưu tiên triển khai hạ tầng mạng 5G trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá; hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển chính quyền số gắn liền với đô thị thông minh.

Minh Lan