Xây dựng đô thị thông minh: Cần rõ ràng về lộ trình, định hướng chiến lược

Thứ tư, 10/11/2021 | 15:55 GMT+7
Để xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh cần phải có kế hoạch rõ ràng và cụ thể về lộ trình, nguyên tắc quy hoạch cũng như định hướng chiến lược.

Ngày 10/11, hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Hà Nội. Đây là 1 trong 10 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, cùng một số bộ, ngành có liên quan phối hợp tổ chức

Phát biểu khai mạc hội thảo "Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Trong xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Văn kiện Đại hội Đảng XIII về đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn tới cũng đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung và từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. 

Phát triển đô thị thông minh cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, xây dựng thành phố thông minh sẽ đem lại nhiều lợi ích như: thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới; điều hành kinh tế vĩ mô; nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh; quy hoạch, quản lý quy hoạch bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. 

Đồng thời đem lại lợi ích cho kết cấu hạ tầng; vận hành hệ thống; đầu tư công nghệ thông tin và truyền thông; kết nối liên vùng và các thành phố… Từ đó mang lại hiệu quả to lớn cho quá trình điều hành của Chính phủ; quản lý giao thông, tòa nhà, chất thải, nước và không khí thông minh.

Mỗi quốc gia đều có định hướng chiến lược, kế hoạch khác nhau trong việc xây dựng thành phố thông minh nhưng tựu trung lại vẫn đều hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế - xã hội bền vững, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích cho con người và môi trường.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thành trình bày về thành phố thông minh theo kinh nghiệm và đánh giá quốc tế

PGS.TS. Nguyễn Văn Thành cũng cho biết, từ những kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các tiêu chí điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của nhiều hệ thống thành phố thông minh trên thế giới, Việt Nam tiếp thu và đang phấn đấu xây dựng mô hình thành phố thông minh đối với một số tỉnh, thành phố có tính đặc thù như: thành phố cảng - đô thị lớn (Hải Phòng), đô thị vùng trung du - vùng thủ đô (Bắc Ninh), thành phố đồng bằng vùng trũng với lưu vực sông và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng (Cần Thơ)…

Để những đề án trên thành công, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành đã chỉ ra rằng, xây dựng thành phố thông minh cần phải có kế hoạch rõ ràng và cụ thể về lộ trình, nguyên tắc quy hoạch cũng như định hướng chiến lược.

Cụ thể, về định hướng, cần xây dựng Bộ chỉ số quản lý thành phố thông minh đáp ứng mục tiêu an ninh, an sinh, an toàn thích ứng với điều kiện của Việt Nam theo chuẩn thế giới; cần xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong phát triển mối tương tác thực - ảo trên mọi lĩnh vực…

Về chiến lược, các nhà hoạch định chính sách thế giới đã xác định 10 yếu tố để xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh. Bao gồm: lợi ích của các bên liên quan, sự tham gia và kết nối, liên kết khu vực với trọng tâm là cộng đồng, động lực chiến lược và các sáng kiến nền tảng, rõ ràng về lợi ích, xây dựng tư duy chiến lược, rút ra các bài học, gắn kết với quy hoạch đô thị, các chỉ số đánh giá kết quả, tạo ra văn hóa thành phố thông minh lâu dài. Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng trong chiến lược của mình.

Về các bước xây dựng thành phố thông minh, cần xác định nội hàm thành phố thông minh; xây dựng mục tiêu ngắn và dài hạn; lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển; xây dựng bộ chỉ số đánh giá; lựa chọn chỉ số ưu tiên; xấy dựng cộng đồng khởi nghiệp, thúc đẩy kinh tế chia sẻ, tạo sinh kế đô thị; xác định điểm tựa của đòn bẩy; xây dựng kế hoạch thực hiện; ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và các dự án thành phố thông minh; chứng nhận các tổ chức chuyên ngành trong nước và quốc tế; giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến để phát triển đô thị thông minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam.

Thanh Tâm