Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng

Thứ sáu, 5/4/2024 | 14:01 GMT+7
Tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Minh Khuyến vừa chủ trì cuộc họp ban soạn thảo, tổ soạn thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng.

Tại cuộc họp, ông Bùi Công Du, Trưởng phòng Giám sát tài nguyên nước, Trung tâm Giám sát tài nguyên nước và hỗ trợ phát triển lưu vực sông cho biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng quy định kỹ thuật về trám lấp các giếng khoan, giếng đào để điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất bị hỏng không còn sử dụng hoặc giếng không có nhu cầu, kế hoạch tiếp tục sử dụng. Quy chuẩn áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước và mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến việc trám lấp giếng không sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Quang cảnh cuộc họp

Theo ban soạn thảo, tổ soạn thảo Thông tư, quy trình kỹ thuật trám lấp giếng không sử dụng như sau: nghiên cứu hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công giếng (nếu có) và điều kiện thực tế của giếng để xây dựng phương án trám lấp giếng; lựa chọn máy móc, trang thiết bị, vật tư, vật liệu thi công phù hợp để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ của công tác trám lấp giếng.

Trong quá trình thi công trám lấp giếng phải tuân thủ đầy đủ yêu cầu của phương án trám lấp giếng, quy định trong quy chuẩn này. Phải bảo đảm thực hiện kịp thời, ngăn chặn nước, chất bẩn từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước và sự lưu thông giữa các tầng, lớp chứa nước khác nhau qua giếng. Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.

Về xây dựng phương án trám lấp giếng, cần kiểm tra, đánh giá tình trạng của giếng; chuẩn bị vật liệu lấp đầy, vật liệu trám lấp và máy móc, dụng cụ trám lấp giếng; thi công trám lấp giếng khoan; thi công trám lấp giếng đào…

Các thành viên ban soạn thảo, tổ soạn thảo đã cùng trao đổi, thảo luận để làm rõ thêm các nội dung quy định của dự thảo Thông tư gồm: Vụ Pháp chế đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện chương trình, định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến độ, kết quả thực hiện chương trình; cho ý kiến, thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Vụ Khoa học và Công nghệ đôn đốc, tổng hợp, theo dõi việc xây dựng, ban hành và thẩm định các dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật. Vụ Kế hoạch - Tài chính đôn đốc, tổng hợp, theo dõi việc xây dựng, ban hành và thẩm định các dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; chủ trì, phối hợp Vụ trưởng Vụ Pháp chế bố trí kinh phí với định mức cao nhất theo quy định của pháp luật để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình.

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia đề xuất, góp ý cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu; tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến đề nghị, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư, ban soạn thảo, tổ soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường; đăng tải lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Việt Nga (T/H)