Nghiên cứu khoa học, công nghệ đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước

Thứ tư, 27/3/2024 | 17:14 GMT+7
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, an ninh nguồn nước là một trong những mục tiêu chính trong Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào, với hơn 7.500 đập, hồ chứa tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, gây mất an ninh nguồn nước. Công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế, trong khi kinh phí bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, năng lực cán bộ quản lý, vận hành hồ, đập còn hạn chế. Vì vậy, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nâng cao khả năng chống thấm cho đập đất, cần thêm quy trình ứng phó với các tình huống khẩn cấp các quy mô hồ chứa, đập khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tích hợp quan trắc, điều hành hồ chứa thông minh, hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn đập, hồ chứa, kết hợp với chuyển đối số hệ thống thông tin công trình.

Ứng dụng không học và công nghệ bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước

Trước nhu cầu thực tiễn đó, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 2846/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước” (mã số KC.14/21-30) nhằm phấn đấu đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Chương trình cụ thể hóa các nhiệm vụ của Kết luận số 36-KL/TW hướng tới cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an ninh nguồn nước và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và công trình thủy lợi.

Với các mục tiêu trên, chương trình đề ra một số mục tiêu cụ thể như: 60% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng hoặc ứng dụng thử nghiệm thành công; 30% số nhiệm vụ có đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích) được chấp nhận, trong đó 10% số nhiệm vụ có bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được công nhận; 20% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện…

Theo đó, chương trình tập trung nghiên cứu, đề xuất các công nghệ tiên tiến, giải pháp gia tăng nguồn nước nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ, rủi ro mất an ninh nguồn nước; giải pháp, công nghệ mới, tiên tiến nhằm quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn, giảm thất thoát, lãng phí nước; tăng hiệu suất, năng suất nước; công nghệ, phương pháp tiên tiến, hiện đại, thông minh; giải pháp mới gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhằm nâng cao mức bảo đảm an toàn, khai thác hiệu quả đập, hồ chứa nước…

Gia Bách (T/H)