Văn hóa, du lịch

Năm mới, đón Tết với người Mông

Thứ sáu, 9/2/2018 | 10:53 GMT+7
Không như người Kinh, người Mông ăn tết kéo dài trong cả tháng với một không khí tết đoàn viên, ăn uống, vui chơi từ nhà này sang nhà khác.

Tết đủ đầy

Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng một Tết. Như vậy, trước Tết của người Kinh 1 tháng, các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí mừng năm mới. Lúc ấy, trong mỗi nhà, thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ, lợn gà, trâu bò đầy sân... người Mông lại an tâm đón một cái Tết đoàn viên. Suốt một tháng trời, các gia đình tổ chức ăn uống, ca hát từ nhà này sang nhà khác. Trẻ con có thể đến trường tuỳ thích. Người lớn không phải lên nương, ra ruộng trồng cấy.

Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết nơi đây.

Trên mâm cỗ cúng tất niên của người Mông, những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô sẽ được bày trang trọng cùng với gà trống sống đã được cắt tiết. Trên bàn thờ lúc này cũng không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường, nơi người Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh. Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.

Không như dân tộc Kinh có tục đón giao thừa, người Mông quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày.

Tết vui chơi, tìm hiểu nhau

Từ ngày mùng bốn, người Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Trong dịp tết người Mông chơi nhiều trò chơi truyền thống ném pao, múa khèn, múa ô, chơi quay... Vào dịp này, trong các phiên chợ tết, các chàng trai cô gái bén duyên nhau. Họ gửi gắm tình cảm cho nhau qua tiếng khèn, ánh mắt, qua điệu múa mượt mà....

 Điểm đặc biệt trong lễ hội của người Mông vùng Tây Bắc là trò chơi đánh quay. Tại các bản làng của người Mông, con trai đã làm quen với những con quay từ khi mới lẫm chẫm biết đi, khi đó các em nhỏ được bố hoặc anh trai làm quay cho. Lớn thêm ít nữa, khi tự biết cầm dao khéo léo đẽo quay, thì các chàng trai trở nên thành thục với trò chơi tưởng đơn giản, nhưng lại cần sự khéo léo, sức khẻo và hấp dẫn này.

Để có được con quay chắc chắn, đánh không bị vỡ thì những người con trai phải vào trong rừng sâu tìm những loại gỗ tốt, cứng và dẻo để đẽo thành quay. Ngoài ra, dây quay phải được làm bằng dây lanh, buộc ở đầu dây bằng mấy sợi lông gà, một đầu thì cuộc vào đầu một cái que, sợi dây dài hay ngắn tùy vào từng người.

Mỗi bộ quay gồm sợi dây dài chừng 2m gắn cố định một đầu vào thanh gỗ nhỏ dài chừng 0,5m và con quay đẽo hình đầu đạn, bán kính 3–5cm, làm bằng gỗ tốt, cứng, nặng (thường là gỗ trai). Bộ đồ chơi ấy thường được dùng trên sân vận động của bản cùng những trò chơi khác như đá bóng, ném pao…

Nhiều người Mông cho rằng, điều thú vị nhất của trò chơi quay chính là hình thức đánh. Ở mỗi vùng, mỗi bản có hình thức đánh riêng, đó là chơi tự do và chơi đồng đội. Chơi tự do là không phân biệt người chơi và người đánh, nếu đánh trượt thì phải đi quay và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp, còn những người quay trước không bị người khác đánh trúng thì lại được đánh.

Hình thức đánh theo đồng đội thì chia đều những người tham gia thành hai đội, mỗi bên có từ 3 đến 5 người, thậm chí lên đến 10 người. Theo hình thức đồng đội thì chỉ cần một người trong đọi đánh trúng và thắng được đối phương là coi như đội đó thắng. Đánh quay không phải như nhiều người thường nghĩ là hai bên cùng ném con quay xuống đất, bên nào bị đổ trước là thua mà phải có luật lệ riêng.

Tại bản Hua Tạt, Vân Hồ, Mộc Châu có cách đánh riêng, thả quay và đánh quay diễn ra qua ba vòng. Vòng thứ nhất thả quay cách vạch ném chỉ chừng 3 m, vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 10m, vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 20m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng thử thách nhất, và cái tài khéo cùng sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này.

Từ xa xưa cho tới nay, đánh quay là trò chơi dân gian phổ biến dành cho nam giới từ nhỏ cho tới người trung tuổi. Nó vừa là môn giải trí truyền thống, vừa là môn thể dục nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, trong mỗi dịp lễ hội, trò chơi đánh quay giúp tăng cường sự đoàn kết trong bản làng người Mông.

 

 

Hải Đăng