Môi trường (old)

Bản tin môi trường số 4/2020

Thứ hai, 23/3/2020 | 11:41 GMT+7
Hàng loạt dự án sẽ bị thanh tra việc sử dụng đất, giảm bụi tro tại các nhà máy nhiệt điện than, TP HCM xử lý dứt điểm khai thác khoáng sản... là những tin tức môi trường được quan tâm trong tuần qua.

Hàng loạt dự án sẽ bị thanh tra việc sử dụng đất

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ban hành Quyết định về việc ban hành chi tiết thanh tra của Tổng cục năm 2020 việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai đối với một số địa phương, trong đó, có một số dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Cụ thể, Tổng cục sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Việc thực hiện các quy định của pháp luật khi chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác (theo nội dung "Đề án Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020") tại tỉnh Hưng Yên và Hậu Giang.

Hàng loạt dự án lớn sẽ bị thanh tra

Trong đó, tại tỉnh Bình Thuận, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại 4 dự án, gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Kê Gà tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam do Công ty Liên doanh Du lịch Kê Gà làm chủ đầu tư; Dự án Khu du lịch sinh thái Delverton tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình do Công ty TNHH Delverton Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Khu du lịch Bàu Trắng - Hòn Hồng tại xã Hòa Thắng huyện Bắc Bình của Công ty CP Thái Vân; Dự án Khu sân Golf và Biệt thự Hàm Thuận Nam tại xã Tân Thành và xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thế Giới Xanh làm chủ đầu tư.

Tại Hà Nội có 4 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Vinaconex - Posco). Dự án Khu đô thị “Thành phố Giao Lưu” tại quận Bắc Từ Liêm của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA. Dự án Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại Học Vân Canh tại huyện Hoài Đức của Công ty CP Đầu tư An Lạc.

Còn tại TP HCM có 3 dự án bị thanh tra gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội - Khu nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc tại khu đất Chợ Bình Phú cũ (số 116 Lý Chiêu Hoàng phường 10, quận 6) do Công ty TNHH quản lý Bất động sản Hoàng Phúc làm chủ đầu tư; Khu nhà ở 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu tại phường Đa Kao, quận 1 do Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư và du lịch, văn hóa, giải trí tại phường An Phú, quận 2 do Công ty TNHH Quốc tế Thế kỷ số 21 làm chủ đầu tư.

Bộ Công Thương yêu cầu giảm bụi tro tại nhà máy nhiệt điện than

Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than tăng cường các biện pháp giảm thiểu bụi từ kho than, khu vực cảng than, việc vận chuyển, lưu giữ tro, xỉ tại bãi xỉ.

Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than

Về các giải pháp quản lý chất thải, Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện các giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng triệt để nước thải sau xử lý cho các công đoạn sản xuất, hoạt động của nhà máy. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước làm mát đầu ra theo đúng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, đặc biệt là các thông số về nhiệt độ và hàm lượng clo dư.

Đối với khí thải kiểm soát chặt chẽ chất lượng khí thải đầu ra đáp ứng đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường. Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào hoạt động ngay từ đầu của quá trình khởi động, thay thế sử dụng dầu đốt kèm từ FO sang DO, hoàn thành việc lắp đặt và truyền số liệu quan trắc khí thải tự động đến các cơ quan môi trường địa phương.

Đối với chất thải rắn, lập, phê duyệt và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung Đề án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ, thạch cao theo quy định. Tăng cường các biện pháp giảm thiểu bụi từ kho than, khu vực cảng than, việc vận chuyển, lưu giữ tro, xỉ tại bãi xỉ.

Thừa Thiên Huế đấu giá 37 khu vực khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch số 68/KH - UBND về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2020.

Thừa Thiên Huế đấu giá 37 khu vực khai thác khoáng sản

Theo đó, các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2020 ở Thừa Thiên Huế gồm có 37 khu vực, trong đó: đất sét làm gạch ngói 10 khu vực; đất làm vật liệu san lấp 13 khu vực; cát, sỏi làm vật liệu xây dựng 7 khu vực; cát nội đồng 1 khu vực; đá làm vật liệu xây dựng thông thường 5 khu vực; than bùn 1 khu vực.

Kế hoạch nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, san lấp và nguyên liệu sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, thông qua đấu giá lựa chọn những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện dự án hoạt động khoáng sản, triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và trách nhiệm với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác...

TP HCM xử lý dứt điểm khai thác cát trái phép

TP HCM vừa có kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó thiên tai trong năm 2020 của toàn thành phố.

Cụ thể, trước dự báo tình hình thiên tai năm 2020 diễn biến khó lường, UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở.

Triển khai chỉ đạo này, UBND TP yêu cầu các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông không phép, trái phép, gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tuyến sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai và vùng biển Cần Giờ.

TP HCM yêu cầu xử lý dứt điểm khai thác cát, sỏi

UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm hoàn chỉnh phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tương ứng với từng loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và đề xuất giải pháp xử lý đối với các nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp...

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân sinh sống chung quanh biết và chủ động phòng, tránh; đồng thời tổ chức thực hiện quy trình nhắn tin cảnh báo thiên tai cho các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn thành phố…

Bộ Tư lệnh TP HCM duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị thường trực để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, cứu sập, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai…

Hải Đăng