Năng lượng gió

Cần xây dựng khung pháp lý cho ngành điện gió

Thứ năm, 3/8/2017 | 10:30 GMT+7
Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển điện gió. Tuy nhiên, để phát triển thị trường, chúng ta cần khắc phục một số rào cản về khung chính sách và thị trường cũng như cần giải quyết nhu cầu về nâng cao năng lực trong ngành. Đó là chia sẻ của ông Tobias Cossen, Trưởng dự án Hỗ trợ Mở rộng Quy mô Điện gió tại Việt Nam/Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của điện gió tại Việt Nam?

Tôi cho rằng điện gió là một trong những lời giải đáp ứng nhu cầu điện năng đang tăng rất nhanh của Việt Nam. Với khoảng 3.000 km bờ biển có điều kiện gió tốt đến rất tốt, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển điện gió khá lớn. Nhiều nơi có tốc độ gió trung bình vượt quá 6,5m/s. Các vùng có tiềm năng cao nhất là vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu long. Bản đồ gió năm 2011 của Ngân Hàng Thế giới đã ước tính tiềm năng của Việt Nam ở ngưỡng 24GW. Để dễ so sánh, nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - thủy điện Sơn La có công suất lắp đặt là 2,4GW.

Chính phủ Việt Nam nhận ra tiềm năng này và đang hỗ trợ phát triển điện gió trong nỗ lực nhằm nâng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung của ngành điện. Năm 2015 công suất lắp đặt của điện gió là 52MW. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII Điều chỉnh) ban hành tháng 3 năm 2016, mục tiêu dành cho phát triển điện gió là 800MW vào năm 2020 và 6.000MW vào năm 2030.

Ông có thể chia sẻ về tình hình thực tế phát triển điện gió ở Việt Nam?

Hiện nay, Việt Nam có 5 trang trại gió với tổng công suất gần 200MW đang hoạt động, trong số đó có 4 dự án nối lưới. REVN, dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam có công suất 30MW đặt tại tỉnh Bình Thuận; trang trại gió Công Lý công suất 99.2MW là một dự án gần bờ ở tỉnh Bạc Liêu; trang trại gió Phú Lạc công suất 24MW ở Bình Thuận và mới đi vào hoạt động tháng 5/2017 là trang trại gió Hướng Linh với công suất 30MW ở tỉnh Quảng Trị. Cuối cùng là dự án hỗn hợp diesel-gió có công suất 6MW nằm trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Bên cạnh đó, hơn 50 dự án khác đang trong giai đoạn phát triển và xây dựng.

Để thúc đẩy ngành phát triển, một số quyết định và thông tư liên quan đến điện gió được ban hành. Một số tỉnh có điều kiện gió tốt đã có quy hoạch phát triển điện gió cấp tỉnh hoặc quy hoạch đang chờ được phê duyệt. Các quy hoạch này cung cấp thông tin về tiềm năng gió cho chính quyền địa phương cũng như các đối tượng quan tâm.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng chứng kiến một số bước tiến với sự ra đời của một số nhà phát triển dự án quốc tế và trong nước cũng như các công ty cung cấp dịch vụ khác hoạt động trong lĩnh vực điện gió. Trình độ kiến thức và chuyên môn của các nhóm đối tượng khác nhau trên thị trường cũng đang dần dần tăng lên và các hoạt động nghiên cứu đang diễn ra ở một số khu vực trọng điểm trong cả nước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một số thực tế khó khăn đối với phát triển điện gió như: giá mua điện còn thấp, thiếu một cơ sở dữ liệu có chất lượng cao, các quy định cũng như thông tin về phát triển điện gió chưa nhiều, đây là lĩnh vực mới mẻ đối với nhiều cá nhân, ngân hàng… Thực trạng này đang khiến cho quy trình khảo sát, phát triển, thẩm định và cấp phép cho các dự án điện gió bị kéo dài.

Ông Tobias Cossen, Trưởng dự án Hỗ trợ Mở rộng Quy mô Điện gió tại Việt Nam/Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam.

Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đã sẵn sàng tham gia thị trường. Ông có thể chia sẻ một số lời khuyên dành cho các công ty muốn đầu tư vào dự án điện gió ở Việt Nam?

Trước hết, chúng ta đều biết rằng các dự án điện gió đòi hỏi đầu tư tài chính khá lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, tính rủi ro luôn ở mức cao. Vì vậy, các nhà đầu tư phải quan tâm đến việc quản lý rủi ro ngay từ giai đoạn phát triển dự án.

Thứ hai, vì công nghệ sản xuất điện gió rất phức tạp, chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư nên hiểu về các công nghệ hiện có và dựa trên phân tích kỹ lưỡng, lựa chọn những công nghệ phù hợp nhất cho dự án. Các nhà đầu tư cũng nên chú trọng đến các công tác vận hành và bảo dưỡng ngay trong quá trình đàm phán hợp đồng. Họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí cho dự án nếu có hành động và quyết định phù hợp liên quan đến vận hành bảo dưỡng.

Thứ ba, việc đo gió cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế (như tiêu chuẩn IEC 61400). Đây là điều rất quan trọng. Nên tiến hành đo gió tối thiểu trong 12 tháng, ngay cả khi dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện gió. Hai đề xuất này sẽ giúp các nhà đầu tư đảm bảo việc bố trí các tuabin gió hợp lý nhất và xác định được sản lượng điện dự kiến cho dự án, từ đó có bài toán tài chính thích hợp.

Việc đầu tư vào lĩnh vực điện gió còn rất mới mẻ, theo ông rào cản và thách thức đối với các nhà đầu tư trong các dự án điện gió là gì?

Tôi tin rằng một số rào cản về chính sách và thị trường cũng như năng lực hạn chế hiện đang là trở ngại cho các nhà đầu tư điện gió.

Như mọi người đều biết, mức FIT 7,8US cent/kWh là thấp để các nhà đầu tư có thể vượt qua được những rủi ro trong giai đoạn phát triển.

Bên cạnh giá FIT, Hợp đồng mua bán điện mẫu được cho là khó có khả năng được các tổ chức tài chính quốc tế chấp nhận do các điều khoản và định nghĩa chưa rõ ràng về hiệu lực, hạn chế, quy định phạt do chậm thanh toán... Bên cạnh đó, nhà phát triển dự án/nhà đầu tư cũng không may gặp phải sự thiếu hụt vốn từ ngân hàng thương mại trong nước cho các dự án đầu tư lớn như điện gió...

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là quy trình phát triển và phê duyệt dự án còn phức tạp, thiếu rõ ràng và được áp dụng không thống nhất ở các địa phương. Các trang trại gió có công suất lắp đặt tối đa là 30 MW sẽ được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch trong khi các dự án có công suất lớn hơn phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, mặc dù trên thực tế đã có những hướng dẫn chung về phát triển dự án nhưng chúng vẫn được áp dụng khác nhau ở mỗi tỉnh. Điều này làm cho quá trình đăng ký mất nhiều thời gian, thiếu rõ ràng và minh bạch.

Ông có đề xuất gì về những thay đổi trong các quy định và khung chính sách để thúc đẩy sự phát triển của ngành điện gió?

Trước tiên, cần có một cơ chế hỗ trợ phù hợp và có hiệu quả để kích hoạt đầu tư tư nhân. Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển điện gió. Tuy nhiên, các mức giá FIT cho điện gió từ trước tới nay chỉ ra rằng nếu không được điều chỉnh phù hợp các nhà đầu tư sẽ do dự và cuối cùng rời khỏi thị trường. Chúng tôi tin rằng 10,4US Cent/kWh cho điện gió trên bờ sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn.

Thứ hai, một khung pháp lý thuận lợi có thể giúp giảm rủi ro hành chính cũng như chi phí liên quan cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính. Sự thiếu rõ ràng của thủ tục hoặc giấy phép, chẳng hạn như giấy phép để bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện, giấy phép đầu tư (với con số chính xác về đất sử dụng và công suât lắp đặt), Hợp đồng mua bán điện mẫu và giấy phép phát điện 10 năm sẽ tạo những trở ngại về tài chính và do đó ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án nói chung cũng như khả năng tài chính của dự án.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Thanh