Công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản

Thứ sáu, 22/12/2023 | 17:37 GMT+7
Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật, đảm bảo quy hoạch khoáng sản sát với thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.

Đây là thông tin tại Hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 22/12 tại Lâm Đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, công khai nội dung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy định và công tác quản lý quy hoạch để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng về việc thực hiện quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch với định hướng trọng tâm là đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch cụ thể đối với từng nhóm/loại khoáng sản, phù hợp với cung, cầu sản phẩm cho từng giai đoạn của quy hoạch, đảm bảo tính kế thừa, khắc phục tồn tại của các quy hoạch trước đây. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản được xây dựng trên 6 quan điểm phát triển, trong đó chú trọng việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và tương thích với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương và hài hòa với yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đời sống người dân.

Hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch khoáng sản được xây dựng nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới. Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực, phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Ông Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản mà còn mở ra không gian phát triển mới cho ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nếu thực hiện thành công các mục tiêu trên, ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản sẽ từng bước trở thành ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp nguyên vật liệu quan trọng không thể thiếu để phát triển các ngành công nghiệp khác, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau khi Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp, trình bày các quan điểm về công tác quy hoạch khoáng sản; đồng thời phân tích những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong công tác quy hoạch khoáng sản hiện nay.

Trên cơ sở các nội dung trao đổi, Cục Công nghiệp tiến hành tổng hợp, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện quy hoạch theo quy định của pháp luật, đảm bảo sát với thực tiễn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của Quy hoạch tổng thể quốc gia, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Đức Dũng