Hội thảo quốc tế Quản lý nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Thứ sáu, 26/7/2019 | 16:00 GMT+7
Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: “Quản lý nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Trong khuôn khổ sự kiện triển lãm quốc tế ngành nước Vietwater 2019 tại Hà Nội, sáng ngày 25/7/2019, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: “Quản lý nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc, Ông BT Tee - Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam, Hà Nội là thành phố đã vượt con số 8.2 triệu dân với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2018 là 7.37%, đạt mức cao nhất trong 3 năm qua và là một trong 10 thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Khi ngày một nhiều ngành nghề sản xuất, gia công, chế biến liên tục chuyển dịch đến các vùng phụ cận, cho thấy xu thế này đã xác lập vẫn sẽ tiếp tục. Hà Nội đã thu hút hơn 6,5 tỷ đô la Mỹ vốn FDI và lần đầu tiên vượt qua thành phố Hồ Chí Minh về tỷ lệ này. Thành phố thủ phủ quốc gia đã và đang nhìn nhận sản xuất, khoa học, công nghệ là các yếu tố phát triển mũi nhọn trong những năm tới đây và kỳ vọng sẽ củng cố hơn nữa ngành bán lẻ của Thủ đô đồng thời phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng vận tải đến năm 2020.

Trong bối cảnh nền kinh tế tích cực này, thách thức quan trọng đối với nhà nước là quản lý các nguồn tài nguyên một cách bền vững. Trong đó, quản lý nguồn nước, xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp là một trong những yếu tố cấp bách cho sự phát triển của cả ngành công nghiệp và quản lý đô thị.


Ông BT Tee (bên phải) – Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông BT Tee nêu các vấn đề cần được giải quyết thành các nhóm như: 1) Thử thách quản lý nguồn nước gây ra bởi thay đổi khí hậu, khan hiếm nước bề mặt, nguồn nước nhiễm mặn, khó khăn khi sử dụng nước sinh hoạt và cạn kiệt nguồn nước ngầm. 2) Ô nhiễm nguồn nước ở những nơi cần nước bề mặt, nguyên liệu không hữu cơ (nhựa), lưu lượng hóa học trong nông nghiệp và công nghiệp, mầm bệnh và nồng độ chất Clo. 3) Những mô hình kinh doanh và tài chính ở những nơi cần hồi phục kinh tế, huy động vốn và dự án đầu tư. 4) Những công nghệ mới cho quá trình khử muối, sử dụng năng lượng hiệu quả, vận hành từ xa, tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo, sử dụng máy bay không người lái để khảo sát và lập bản đồ, loại bỏ amoni, asen và chất hữu cơ khỏi nước ngầm.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có một số thách thức chủ yếu như:

Thứ nhất: Có hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.

Thứ hai: Tăng trưởng kinh tế không ngừng dẫn đến nhu cầu nước cho các ngành kinh tế - xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến, nguồn nước ngầm hiện nay vẫn đang tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt..

Thứ ba: Tốc độ đô thị hóa nhanh và quá tải về cơ sở hạ tầng đô thị cũng như sức ép về tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đòi hỏi cần nhiều nước hơn đang là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia

Thứ tư: Ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đang là mối đe dọa lớn nhất với nguồn nước.

Thứ năm: Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. Thiên tai bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng... đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng lẫn phạm vi ảnh hưởng. Trong thời gian này chúng ta đang chứng kiến hạn hán, nắng nóng dữ dội ở Miền Trung làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và lưu ý rằng thiếu nước tưới có thể dẫn tới xung đột về nguồn nước ở khu vực nông thôn;

Thứ sáu: Mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng nước có thể tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước không đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, quản lý sử dụng nước còn thiếu đồng bộ, tính khả thi cũng như triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả cao.


PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

"Việc tổ chức Hội thảo quốc tế này với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, quản lý và các doanh nghiệp ngành nước hàng đầu trong nước và nước ngoài sẽ tạo môi trường cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý ngành nước và giới thiệu, chuyển giao công nghệ về quản lý và xử lý nước thông minh một trong những chủ đề “nóng” hiện nay". PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, nhiều báo cáo tham luận đã tập trung vào những vấn đề đang rất nóng của ngành nước tại Việt Nam như: Tăng cường quản lý hướng tới khai thác và sử dụng hợp lý để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; Quản lý nước phục vụ cho nhu cầu cấp nước thích ứng với biến đổi khí hậu; Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn; Giải pháp thoát nước bền vững cho các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quản lý tái sử dụng nước và nước thải trong Khu Công nghiệp...

Theo MTĐT