Nhà máy nước Gia Lâm làm sai quy trình, đổ bùn thải ra môi trường?

Thứ ba, 3/12/2019 | 09:49 GMT+7
Vừa qua, Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử nhận được phản ánh từ người dân về việc Nhà máy nước Gia Lâm (thuộc Công ty nước sạch Hà Nội) làm sai quy trình trong hoạt động xử lý lọc nước và đổ bùn thải ra môi trường.

Nhà máy nước Gia Lâm có địa chỉ tại km số 1 đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, TP Hà Nội. Nhà máy được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với dây truyền công nghệ xử lý nước sạch hiện đại, tiên tiến. Nhà máy chính thức được đưa vào sử dụng năm 1996. Công suất giai đoạn I là 30.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho nhân dân khu vực quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Sau đó, năm 2001, dự án xây dựng đường ống cấp nước từ Nhà máy nước Gia Lâm về nội thành qua cầu Chương Dương. Được biết, đến năm 2011, nhà máy sử dụng công suất đến 60.000 m3/ngày đêm.

Để đảm bảo chất lượng nước sạch cũng như vệ sinh môi trường khi đưa vào sử dụng, Nhà máy nước Gia Lâm sử dụng 4 bể chứa bùn, 4 bể lắng, 5 bể sân phơi bùn; chia thành 02 khu: Gia Lâm 1 (phía Nhật Bản đầu tư) và Gia Lâm 2 (phía Việt Nam đầu tư). Gia Lâm 1 có 2 bể chứa bùn và nước thải rửa bể, có 2 bể lắng (xử lý nước, để tái sử dụng ); có 2 máy bơm xoắn vận chuyển bùn ra bể sân phơi bùn.

Vòi chờ để hút, xả trực tiếp xuống cống ngầm

Theo các chuyên gia, quy trình hoạt động xử lý nước của Nhà máy nước Gia Lâm là: sau khi bơm nước vào bể lắng thì nước sẽ được loại bỏ bớt phù sa, đất, sau đó được đưa vào dây chuyền sản xuất. Phần phù sa dạng bùn sẽ được phơi khô, sau đó công ty môi trường mang đi xử lý (vì số bùn này đã bị nhiễm hóa chất).

Bùn thải được xả trực tiếp ra bên ngoài bể chứa của Nhà máy nước Gia Lâm

Theo người dân phản ánh, Nhà máy nước Gia Lâm đã làm sai quy trình vận hành. Cụ thể, 4 trong số 8 máy bơm xoắn vận chuyển bùn trong toàn hệ thống đã bị hỏng (thuộc khu Gia Lâm 1). Thay vì sửa lại hệ thống máy bơm xoắn vận chuyển bùn, nhà máy đã dùng máy bơm nước thông thường để bơm trực tiếp một lượng bùn thải lớn ra khuôn viên, lòng đường. Đồng thời, một lượng nước bùn thải được xả trực tiếp xuống cống ngầm được cho là đường ống thoát nước của nhà máy này gây ô nhiễm môi trường. Sự việc khiến người dân vô cùng bức xúc.

Nước bùn thải được công ty xả trực tiếp xuống cống ngầm

Để làm rõ sự việc, phóng viên Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử đã trao đổi trực tiếp với ông Phí Văn Thuận, Giám đốc Nhà máy nước Gia Lâm. Ông Thuận cho rằng, đơn vị chỉ là công ty con, muốn liên hệ cần phải làm việc với Công ty nước sạch Hà Nội.

Nhóm PV tiếp tục tìm đến trụ sở Công ty nước sạch Hà Nội để liên hệ, tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, đơn vị này đã không tiến hành kiểm tra, làm rõ những nội dung báo chí phản ánh.

Mặc dù có phản ánh của người dân về việc Nhà máy nước Gia Lâm hoạt động sai quy trình gây ô nhiễm môi trường nhưng đại diện Nhà máy nước Gia Lâm cũng như Công ty nước sạch Hà Nội đã không hợp tác và né tránh khi PV đến tìm hiểu, làm rõ thông tin.

Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Khoản 4, Điều 25 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải: Thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải hệ thống thoát nước

a) Bùn thải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến các địa điểm xử lý theo quy hoạch hoặc các địa điểm đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; không được phép xả thải bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trong trường hợp bùn thải có các thành phần nguy hại thì phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;

b) Việc xử lý và tái sử dụng bùn thải phải tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng bùn thải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và các quy định về bảo vệ môi trường;

c) Khi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải phải có các giải pháp thu gom và xử lý bùn thải phù hợp.

- Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 04/2015/TT-BXD Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải: Quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước

a) Tách nước sơ bộ, ổn định bùn thải, khử các chất hữu cơ dễ gây thối rữa;

 b) Xử lý sơ bộ bùn thải, tăng cường khả năng nhả nước của bùn thải;

c) Làm khô bùn thải;

d) Vận chuyển bùn thải, khử độc bùn thải; đ) Sử dụng lại bùn thải cho các mục đích khác nhau;

e) Xử lý bùn, nước bùn thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quy định.

Nhóm PV