Khai mạc diễn đàn và triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á năm 2024

Thứ tư, 17/4/2024 | 15:03 GMT+7
Ngày 17/4, lễ khai mạc diễn đàn và triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á năm 2024 (Smart City Asia 2024) diễn ra tại TPHCM.

Theo ban tổ chức, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19/4, thu hút 800 gian hàng trưng bày của hơn 500 doanh nghiệp đến từ những quốc gia đứng đầu về lĩnh vực công nghệ thông minh như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức... với các chủ đề chính như: công nghệ và giải pháp ứng dụng trong đô thị thông minh (nhà ở thông minh, CCTV, AIoT, công nghệ chất bán dẫn, tài chính - thanh toán thông minh, tòa nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, năng lượng xanh…).

Triển lãm còn bao gồm các diễn đàn với chuyên đề chính như: chiến lược đô thị thông minh với định hướng phát triển xanh và bền vững; giải pháp công nghệ cho cuộc sống thông minh; ứng dụng AIoT trong đô thị thông minh theo định hướng phát triển xanh.

Diễn đàn và triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á năm 2024 diễn ra tại TPHCM

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, SmartCity Asia 2024 là sự kiện có uy tín trong khu vực về phát triển đô thị, thành phố thông minh. Đây là cơ hội rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề và giải pháp trong phát triển đô thị thông minh bền vững. Chương trình cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương trong nước của Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về phát triển đô thị, thành phố thông minh.

Theo ông Phạm Đức Long, cần thống nhất nhận thức chung phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị... Để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

Các địa phương cần xác định hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Ông Phạm Đức Long đề nghị người đứng đầu địa phương phải quyết liệt chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành được kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, tập hợp đầy đủ dữ liệu của các ngành, lĩnh vực, chính quyền các cấp. Dữ liệu phải được thường xuyên cập nhật, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Trên cơ sở đó, xác định rõ các bài toán nghiệp vụ trong chỉ đạo, điều hành, phát triển các công cụ phân tích dữ liệu để khai thác tối đa giá trị của dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền và cung cấp dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đô thị thông minh để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững trong dài hạn.

Nhã Quyên (t/h)