Nông nghiệp sạch

Lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao của Hà Nội cao nhất cả nước

Thứ năm, 2/5/2024 | 10:31 GMT+7
Tính đến hết tháng 4/2024, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Trong đó, Hà Nội giữ vị trí đầu bảng xếp hạng về số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Cụ thể, tại Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2024, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, đến hết tháng 4/2024, 63 tỉnh, thành phố của cả nước đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong số này có 73,9% sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 24,7% sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên lớn nhất.

Theo lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm). Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao. Đồng bằng sông Hồng là khu vực dẫn đầu cả nước với 30,7% tổng số lượng sản phẩm OCOP của cả nước. Tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long (18,3%), miền núi phía Bắc (16,8%), vùng Đông Nam Bộ (5,8%).

Ảnh minh họa

Văn phòng Điều phối chương trình sản phẩm OCOP cũng ghi nhận, Chương trình OCOP đã bắt đầu phát huy hiệu quả và ngày càng thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế. Hiện cả nước có 6.542 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 32,5% là hợp tác xã, 22% là doanh nghiệp, 40,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh, điểm mới giai đoạn 2021 - 2025 là việc song song với ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chương trình chuyên đề.

Đến nay, các chương trình chuyên đề đã hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả bước đầu, nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, các giá trị bản địa của các vùng, miền, địa phương; khơi dậy tư duy sáng tạo, đổi mới, truyền tải được những giá trị văn hóa truyền thống, hồn cốt của dân tộc trong từng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng "tích hợp đa giá trị".

Mộc Trà (T/H)