Văn hóa, du lịch

Một số lễ hội liên quan đến hình tượng hổ ở châu Á

Thứ sáu, 4/2/2022 | 11:00 GMT+7
Một số lễ hội đặc sắc liên quan đến hình tượng hổ trong khu vực châu Á.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Việt Nam

Lễ hội Gầu Tào được coi là lễ hội tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Mông. Lễ hội là dịp để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng…

Lễ hội Gầu Tào ở Pú Súa được tổ chức vào ngày Dần (con hổ) vì theo quan niệm của người Mông, con hổ đại diện cho sức mạnh, có sức mạnh như hổ, người dân sẽ xua đuổi được tà ma, bệnh tật. Lễ hội Gầu Tào với mục đích là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sự khỏe mạnh, thịnh vượng, ban cho dân bản tài lộc, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Đây cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi, chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới.

Hầu hết hộ dân trong bản đều đã tề tựu về nhà của trưởng bản để triển khai các công việc chuẩn bị cho lễ cúng diễn ra vào buổi tối hôm đó. Đàn ông trong bản diện những bộ quần áo đẹp nhất, còn phụ nữ khoác trên mình bộ quần áo đặc trưng của dân tộc mình, ai ai cũng hớn hở chuẩn bị cho một lễ hội đuổi tà ma và cầu an, cầu phúc.

Màn múa hổ của người Ấn Độ

Nhảy Pulikali ở lễ hội Onam tại Thrissur (Ấn Độ) đã trở thành một sự kiện lớn nhận được sự hưởng ứng lớn từ mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Những vũ công đã phải mất từ 5 đến 7 giờ để hóa trang thành những con hổ sống động đầy màu sắc. Các nhóm Pulikkali từ tất cả bốn góc của Thrissur di chuyển trong đám rước, nhảy múa và lắc bụng theo nhịp trống qua các đường phố.

Điệu nhảy Pulikali thể hiện sự ám ảnh của loài hổ hoang dã với người dân và biết ơn tinh thần dũng mãnh của những người săn hổ. Những cảnh như hổ săn mồi hay cảnh một con hổ bị săn lùng bởi một thợ săn được diễn ra tuyệt đẹp và công phu.

Lễ hội nhận được sự hướng ứng lớn từ người dân. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trên đường để thưởng thức điệu nhảy, cổ vũ các vũ công, thậm chí một số khán giả cố gắng tham gia sự kiện.

"Ngày của loài hổ” ở Nga

Tại vùng Viễn Đông, Liên bang Nga, mỗi khi đến "Ngày của loài hổ” - ngày hội sinh thái truyền thống, gần 10.000 người, trong đó đa phần là học sinh sẽ tham gia Lễ hội hóa trang - diễu hành. Những người tham gia lễ hội sẽ tự biến hóa mình trong những trang phục và phụ kiện giống như những "chúa sơn lâm" của vùng Viễn Đông, nổi tiếng nhất là loài hổ quý hiếm như hổ Amua, hổ rừng Taiga...

Tham gia hoạt động sinh thái này còn có đại diện các tổ chức và quỹ bảo vệ thiên nhiên của Nga và thế giới. Trong ngày hội này, người dân thành phố và du khách ở Vladivostok còn được ngắm nhìn hình ảnh của loài hổ dũng mãnh do các em học sinh thành phố thể hiện, được tham gia đêm nhạc đầy ấn tượng kêu gọi bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã quý hiếm.

Từ năm 2000, "Ngày của loài hổ" được tổ chức thường niên nhờ sự phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức bảo vệ thiên nhiên, Quỹ Thiên nhiên hoang dã, Quỹ Bảo vệ động vật quý hiếm... tại Nga.

Rước đèn lồng hình hổ ở Trung Quốc

Hổ vốn là một con vật rất được coi trọng trong văn hóa Trung Hoa. Con hổ là biểu tượng thứ 3 trong cung hoàng đạo 12 con giáp, tượng trưng cho lòng can đảm, dũng cảm. Người Trung Quốc cổ xưa coi đây là biểu tượng chống lại 3 đại họa trong gia đình là hỏa hoạn, trộm cắp và ma tà.

Một trong những lý do khiến người dân nước này coi trọng con hổ cũng một phần vì màu lông trên trán con vật này rất giống với từ Vương theo tiếng Trung Quốc do đó người ta tin rằng con hổ sinh ra vốn đã là vua của muôn loài.

Do đó, trong năm mới Nhâm Dần 2022, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ hội đèn lồng hình hổ vào ngày 15/2, ngày kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của người dân Trung Hoa. Trong lễ hội, các tác phẩm đều xoay quanh mô phỏng về nhiều sắc thái của con vật này, với các tạo hình sáng tạo, hứa hẹn gây ấn tượng mạnh với người xem. Những chiếc đèn lồng được trang trí phát sáng trong đêm, mang lại không khí vui tươi, ấm áp và hạnh phúc cho du khách.

Trước đó, để chào xuân mới, tại quảng trường chính, vườn Dự Viên (Thượng Hải), một tượng hổ bằng giấy cao 9m đã được dựng lên, phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh của du khách. Hơn nữa, những chiếc đèn lồng theo chủ đề Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh cũng được trưng bày với tạo hình hổ mặc quần áo thể thao nhằm quảng bá một đại hội thể thao quan trọng có tầm vóc thế giới.

Phương An