Văn hóa, du lịch

Mùa Hoa Sen Phật Đản

Thứ sáu, 22/4/2016 | 09:09 GMT+7
Đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta, bốn mùa hoa, quả, cây, rau, thơm mát, ngọt lành. Trên mỗi cung đường, trên từng bước chân, bạn hãy chầm chậm ngắm non xanh, nước biếc và hoa nở bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Trong thẳm sâu tâm hồn Việt, Thiên Địa Nhân cảm ứng. Bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của non sông gấm vóc Việt Nam. Vẻ đẹp ấy không phải là những công trình kiến trúc mỹ thuật, do con người kiến tạo như ở Paris và châu Âu. Vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp của Thiên nhiên Việt Nam, bốn mùa nắng gió mà Trời Đất ban tặng cho chúng ta.

Mùa Hạ đang về, Hoa Sen thơm ngát ao làng. Chùa làng hồng thắm Hoa Sen. Mùa Hoa Sen Phật Đản.

Cây Hoa Sen trong ao làng Việt cổ

Hoa Sen từ thuở hồng hoang đã sống cùng cùng với cây cỏ, thiên nhiên, ao đầm, trong các ngôi làng Việt cổ. Hoa Sen biểu trưng tâm hồn Việt hồn nhiên, dân dã, tinh khiết. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Ở Việt Nam, Sen được xếp vào bộ tứ quý bốn mùa: Lan, Sen, Cúc, Mai.

Hoa Sen thuộc loài túc thảo. Cây Hoa Sen sống ở vùng đầm lầy, ao, hồ nông hoặc ở vùng sâu ngập nước. Theo các nhà khoa học, Sen đã có mặt trên trái đất khoảng từ gần 100 triệu năm trước.

Mùa hè là mua Sen nở và hương Sen dịu nhẹ thoảng trong gió, bay xa đến vài trăm mét. 

Hoa Sen trong Văn hóa Phật Giáo Việt Nam

Hoa Sen hiện hữu trong Nghệ thuật Việt Nam. Từ Văn học Nghệ thuật, đến Kiến trúc hội hoạ, đặc biệt là trong Văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Hoa Sen hiển hiện từ trong kinh điển Phật giáo, đến các Pháp khí thờ, tư thế ngồi Thiền, cách chắp tay Búp Sen lạy Phật, Phật tử chắp tay Búp Sen chào nhau... 

Trong Phật giáo Hoa Sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển của Phật Pháp, Trí tuệ, dẫn đến Giải thoát.

Công trình kiến trúc chùa Việt, lấy cảm hứng từ Hoa Sen là chùa Diên Hựu thời Lý (chùa Một Cột). Chùa có hình dáng hoa sen, mọc lên từ hồ nước, với “một cột” là một cọng Sen, đã trở thành biểu tượng của Văn hóa Việt Nam trước thế giới. 

Mùa Hoa Sen Phật Đản

Phật Đản là ngày sinh của Đức Phật, hay là Vesak  là ngày kỷ niệm Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN. Lễ Phật Đản diễn ra vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch hằng năm.

Lễ Phật Đản (ngày Rằm tháng Tư âm lịch hàng năm) là Ngày hội lớn của các Phật tử trên cả nước Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Mấy năm gần đây Tuần lễ Phật Đản tại TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… các Phật tử là thả bảy đóa Sen khổng lồ trên dòng sông. Bảy đóa Sen lung linh ánh điện trong đêm trăng rằm, tượng trưng cho Bảy bước chân của Phật.

Lịch sử kể rằng, bà Ma Da, vợ vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ, khi có thai sắp đến ngày sinh, theo phong tục phải trở về quê hương mình (quê ngoại) sinh nở. 

Trên đường về, dừng chân tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu đã sinh hạ Thái tử Tất Đạt Đa. Chư Thiên đến đón và tắm rửa xong xuôi cho Thái tử, ngài đã bước bảy bước. Dưới mỗi bước chân nở một bông Hoa Sen. 

Tuy nhiên, không phải Phật chỉ bước bảy bước với bảy bông Sen nở dưới chân. Bước chân vô lượng của Ngài bước đi khắp chốn thế gian. Không có nơi nào không có bước chân Phật. Mỗi bước chân Phật đi qua, Hoa Sen nở.

Bảy đóa Sen nở và con số 7

Theo Kinh Hoa Nghiêm, toàn thể vũ trụ (gồm trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và trung tâm), mọi vật từ nhỏ đến lớn không nằm ngoài con số 7. 

Kinh Lăng Nghiêm viết, vũ trụ được hình thành từ con số 7. Bảy bước tức là Đất, Nước, Gió, Lửa, Hư không, Cái nhìn thấy và Sự nhận biết. 
Bảy đóa Sen nở tượng trưng cho 7 quả vị Thánh, gồm: Tư-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên-giác, Bồ-tát và Phật.

Mùa Hoa Sen Phật Đản. Hoa Sen nở ngát thơm ao, đầm, hồ Việt Nam, đón mừng sự ra đời của Đưc Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong lịch sử Phật Thích Ca từ lúc đản sinh cho đến lúc nhập diệt, Ngài đều ở trên Hoa Sen.

Điều này biểu trưng cho tinh thần bất nhiễm trần của người Giác Ngộ lẽ đời, và cũng tượng trưng cho Trí tuệ, cho triết lý cao siêu của Phật giáo. Phật có nghĩa là Giác Ngộ.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak tại Việt Nam

Năm 2008, Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc được tổ chức ở Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội từ ngày 13 đến 17 tháng 5, tức ngày 9 đến 13 tháng 4 âm lịch.

Đề tài của đại lễ Phật Đản VESAK 2008 Tam Hợp trên cơ sở Tình Thương, Hòa Bình và Hòa Hợp:
1.    Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh
2.    Sự thay đổi khí hậu toàn cầu
3.    Những mâu thuẫn trong gia đình
4.    Chiến tranh và hàn gắn
5.    Những thay đổi của xã hội
6.    Giáo dục của Phật giáo
7.    Phật giáo nhập thế
8.    Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số

Từ sau Đại lễ Phật Đản Vesak 2008, ngày lễ này ngày càng được Phật giáo Việt Nam tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễn hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và các hoạt động từ thiện khác.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014 lần thứ 11 và Hội thảo Phật giáo quốc tế do Việt Nam đăng cai diễn ra tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 7 – 11/5/2014. Chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ 2014 là "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc".

05 diễn đàn hội thảo khoa học của đại lễ Phật Đản thế giới 2014 bao gồm:
1.    Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội;
2.    Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường;
3.    Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh;
4.    Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn;
5.    Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.

Những chủ đề quốc kế, dân sinh của nhân loại, được các Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc- Vesak đặt ra luôn có tính thời sự nóng bỏng cho sự sống của nhân loại hôm nay và mai sau.

Điều này chứng minh Đạo Phật không phải là một tôn giáo thuần túy. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con người Thật. Ngài đã sống cuộc đời tu hành để tìm ra những Khoa học về Phật giáo mà chúng ta có thể học tập và thực hành trong kiếp sống kiếp người hữu hạn một cách An Bình.

Nhà bác học Vật lý Albert Einstein nói về Phật giáo 

“Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo toàn cầu”

“Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được mọi nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo”

“Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học”

“Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”

“Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có Tôn giáo thì Tôi phải là một Phật tử. Vì những gì Tôi hiểu biết bây giờ, thì mấy ngàn năm qua, Kinh Phật đã nói hết rồi”.

Mai Thục