Quốc tế

Mỹ xúc tiến rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu

Thứ tư, 6/11/2019 | 15:52 GMT+7
Ngày 4/11/2019, chính quyền Trump đã bắt đầu quá trình rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris, quá trình này dự kiến sẽ mất tối thiểu 1 năm để hoàn thành.

Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu Quốc gia do những nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ công bố, biến đổi khí hậu đã tác động lên mọi lĩnh vực và khu vực ở Mỹ, đe doạ đến sức khoẻ, nhà cửa và sinh kế của hàng triệu người. Cụ thể, Mỹ đã chịu tổn thất trên 400 tỷ USD do các thảm hoạ thời tiết và khí hậu gây ra kể từ năm 2014. Nước biển dâng, sự gia tăng các trận bão lớn và ngập lụt đe dọa công trình, hạ tầng ven biển trị giá 1.000 tỷ USD. Việc rút khỏi Thoả thuận Paris cũng sẽ khiến Mỹ mất đi các cơ hội về tài chính lớn bởi việc chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp được dự báo tạo ra hơn 26.000 tỷ USD lợi ích kinh tế trên toàn cầu cho đến năm 2030. Bất chấp những vấn đề nguy cấp đó, chính quyền Trump vẫn quyết định đệ trình hồ sơ lên Liên Hợp Quốc nhằm rút khỏi Thỏa thuận Paris.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris. (Ảnh: REUTERS)

Theo Thượng nghị sĩ Tom Carper, đảng Dân chủ, bang Delaware: “Một lần nữa, Tổng thống Trump đang từ bỏ các đồng minh trên toàn cầu vì lợi ích chính trị không phù hợp. Giờ đây, Mỹ đứng một mình - gần 200 quốc gia đã tham gia cam kết toàn cầu này để chống biến đổi khí hậu, thậm chí cả những quốc gia cô lập như Bắc Triều Tiên và những nước bị chiến tranh tàn phá như Syria.

Tổng thống cũng đang từ bỏ cơ hội kinh tế to lớn để tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, cùng với lợi ích cho sức khỏe cộng đồng như không khí sạch hơn để thở và một hành tinh lành mạnh hơn. Trong khi phần còn lại của thế giới hướng tới tương lai năng lượng sạch thì chính quyền này đang khiến nền kinh tế của chúng ta bị các loại nhiên liệu hoá thạch bẩn của quá khứ giữ làm con tin kinh tế”.

Bất chấp quyết định của Tổng thống Donald Trump, một số phân tích được công bố năm 2018 cho thấy nhiều cam kết khí hậu từ các nhà lãnh đạo (không phải cấp liên bang) của Mỹ có thể đáp ứng đầy đủ hai phần ba mục tiêu của nước này theo Thỏa thuận Paris. Từ thời điểm đó, các thành viên trong tổ chức và doanh nghiệp Mỹ đã nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện và cam kết hành động chống biến đổi khí hậu nhiều hơn nữa, bao gồm:

Liên minh của các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp Mỹ đã cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris, hiện tổ chức này chiếm gần 70% GDP của Mỹ và gần 65% dân số Mỹ.

Năm 2019, 7 tiểu bang mới đã ban hành luật năng lượng sạch 100%. Hơn nữa, các cam kết tương tự cũng đã được đưa ra ở 5 bang nữa. Như vậy, nếu luật được ban hành, sẽ có gần 25% tổng nhu cầu điện của Mỹ cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch.

62 công ty có hoạt động tại Mỹ, bao gồm nhiều công ty trong nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Mỹ xét theo doanh thu hàng năm (Fortune 500), đã cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch. Trong đó, Apple Inc., Bank of America, Starbucks và các công ty khác đã thực hiện cam kết RE100 (năng lượng sạch 100) có mức vốn thị trường trên 7,8 ngàn tỷ USD.

Cuộc biểu tình bên ngoài Nhà Trắng để phản đối việc Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Sự ủng hộ Thỏa thuận Paris và hành động chống biến đổi khí hậu cũng đã tăng lên trên khắp nước Mỹ. Hơn ba phần tư cử tri (77%) đã đăng ký bầu cử ủng hộ Mỹ tiếp tục tham gia Thỏa thuận về biến đổi khí hậu này, bao gồm hầu hết các cử tri đảng Dân chủ (92%), ba phần tư cử tri không đảng phái (75%) và đa số cử tri đảng Cộng hòa (60%).

Hơn 3.800 nhà lãnh đạo từ chính quyền địa phương, bộ lạc và chính quyền cấp bang ở Mỹ, khu vực tư nhân và những thành viên khác vẫn cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris.

Mỹ sẽ vẫn là một bên tham gia Thỏa thuận Paris ít nhất cho đến tháng 11/2020. Tùy thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống mà quốc gia này có thể tái gia nhập Thoả thuận Paris. Ngày càng có nhiều người Mỹ quan tâm đến biến đổi khí hậu, và biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

“Người Mỹ muốn hành động để chống biến đổi khí hậu và công chúng sẽ thực hiện những gì Washington không làm. Thông qua chiến dịch Beyond Carbon, chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình sử dụng năng lượng sạch hoàn toàn ở nước Mỹ; các nhà lãnh đạo được dân bầu, những người thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu đó. 

Năm 2020, người dân Mỹ sẽ phải bầu ra những nhà lãnh đạo phải đương đầu được với biến đổi khí hậu và đặt sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng lên hàng đầu. Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với cuộc khủng hoảng khí hậu trên từng thành phố và từng tiểu bang. Chúng tôi không thể chờ đợi nữa”, ông Michael R. Bloomberg, Đặc phái viên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về hành động chống biến đổi khí hậu nhấn mạnh.

Thanh Tâm