Tiết kiệm điện năng

Nan giải câu chuyện tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp

Thứ sáu, 23/8/2019 | 16:29 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững nhằm đưa ra thực trạng và giải pháp cho vấn đề tiêu tốn năng lượng đứng đầu khu vực ở Việt Nam.

Theo phát biểu của ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), GDP tăng trung bình 7,26%/năm trong giai đoạn 2001 – 2010 và 6,14%/năm trong giai đoạn 2011 – 2018. Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 11% trong giai đoạn 2011-2018. Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam năm 2010, tương đương hơn 200 triệu tấn CO2, và sẽ chiếm khoảng 83% và năm 2020, 86% trong 745 triệu tấn CO2 trong năm 2030.

Hiện nay, các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam từ nước xuất siêu nay đã trở thành nước nhập siêu về năng lượng, cụ thể, phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2030.

Nhìn chung, tổng lượng tiêu thụ năng lượng từ năm 2010 - 2018 ở Việt Nam tiếp tục tăng từ khoảng 48 triệu đơn vị tấn dầu quy đổi (Tonne of Oil Equivelent - TOE) đến xấp xỉ 65 triệu TOE. Tính đến tháng 8/2019, cơ cấu tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp chiếm 55% (105 tỉ kWh) tổng lượng tiêu thụ toàn quốc, trong đó quản lý tiêu dùng trong sinh hoạt chiếm 32%. Như vậy, chỉ cần tiết kiệm hoặc điều chỉnh được phụ tải vào giờ cao điểm khoảng 1% thôi thì đồng nghĩa chúng ta tiết kiệm được 1 tỉ kWh/năm tương đương với 1.600 tỉ đồng.

“Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam rất lớn, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Trong các ngành công nghiệp của chúng ta có tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ 25 - 40%. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được thì vẫn chưa phản ánh được hết những tiềm năng tiết kiệm năng lượng”, ông Trịnh Quốc Vũ phát biểu tại diễn đàn.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trình bày chính sách và giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030

Đứng trước thực trạng là quốc gia có cường độ tiêu thụ năng lượng – tổng năng lượng tiêu thụ để sản xuất GDP giảm nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực, hơn cả Trung Quốc, đất nước công nghiệp với hơn 1,4 tỉ dân, ông Chu Bá Thi, chuyên gia cao cấp về năng lượng thuộc Ngân hàng Thế giới nêu ra một số rào cản trong quá trình tiết kiệm năng lượng ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Thứ nhất, về chính sách, giá năng lượng ở Việt Nam phải theo giá chung của thị trường. Tính đến năm 2018, theo số liệu của Viện Kinh tế Việt Nam, giá bán lẻ điện của Việt Nam thấp nhất (7 UScent/kWh), chỉ trên Malaysia trong khu vực ASEAN. Chính sách thuế về lý thuyết là rất cập nhật và đầy đủ nhưng khi triển khai thì chưa thu về được hiệu quả.

Thứ hai, về thể chế, Việt Nam cần có những đơn vị tiên phong trong việc tiết kiệm năng lượng như các nước trên thế giới đã thực hiện.

Thứ ba, về tài chính, chi phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp rất cao. Hơn nữa, hiện nay các ngân hàng đặc biệt quan tâm đến rủi ro tín dụng lớn, trong khi các công ty doanh nghiệp ít hoặc không có tài sản đảm bảo, do đó, khó khăn trong tiếp cận vay vốn là điều dễ xảy ra.

“Về lý thuyết, chính sách trong việc tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp của Việt Nam đứng đầu khu vực. Các chính sách về thuế, tài chính, thể chế luôn đầy đủ, cập nhật những xu hướng mới nhất trên thế giới, thế nhưng khi triển khai thì không có hiệu quả và Việt Nam vẫn là nước có cường độ tiêu thụ năng lượng cao nhất khu vực”, ông Thi phát biểu.

Toàn cảnh diễn đàn

Trước hiện trạng Việt Nam đang là nước tiêu thụ “nóng” năng lượng và những khó khăn rào cản trước mắt, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố với các giải pháp, cụ thể như: Nâng cao nhận thức trong các cấp chính quyền, cơ quan doanh nghiệp, giới nghiên cứu khoa học về tiết kiệm năng lượng trước tiên sau đó mới đến người dân. Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng trong khu vực khu công nghiệp, tòa nhà và chiếu sáng công cộng.


 

Thanh Bảo