Văn hóa, du lịch

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

Thứ năm, 27/7/2023 | 16:27 GMT+7
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới - Thách thức và triển vọng” nhằm đưa ra các định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, trước tác động của đại dịch Covid-19, những thiệt hại mà ngành du lịch phải gánh chịu không chỉ nằm ở mức độ kinh tế mà còn ở góc độ nhân lực. Cụ thể, nhiều lao động chuyển nghề dẫn đến việc thất thoát nhân lực; chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chưa đáp ứng được sự chuyển biến của ngành.

Theo đó, Cục nhận thấy nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao có khả năng thích ứng trước tác động đa chiều của các yếu tố kinh tế, an ninh phi truyền thống và đặc biệt là những xu hướng mới của thời đại công nghệ 4.0 là rất cần thiết trong quá trình phát triển.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, mỗi năm ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hàng năm các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên, tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp. World Bank cũng đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong thang năng lực quốc tế. Do vậy, rất cần nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, còn có sự bất cập trong việc đưa chính sách đào tạo nguồn nhân lực vào cuộc sống hiện nay. Vì vậy, giải pháp đề xuất là cần có điều tra nguồn nhân lực; rà soát, tái cơ cấu hệ thống cơ sở đào tạo; triển khai tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và tăng cường chất lượng đào tạo.

Bàn về đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường trong thời kỳ mới, ông Vũ An Dân, khoa Du lịch, trường Đại học Mở Hà Nội đánh giá, trong cuộc chạy đua với công nghệ 4.0, hướng dẫn viên cần được đào tạo sử dụng thành thạo các công nghệ trong du lịch để thực sự làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để hỗ trợ công việc. Việc mở rộng thị trường du lịch sẽ đồng nghĩa với việc nắm bắt đặc điểm của khách từ thị trường mới và đặc biệt là ngôn ngữ mới. Do đó, cần đào tạo để chuẩn bị cho thị trường địa lý mới, nhóm khách hàng mới với nhu cầu mới.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng trao đổi về việc sử dụng đúng người đúng việc, xây dựng bộ chỉ số xếp hạng hướng dẫn viên, nâng cao chất lượng giảng viên, cập nhật tài liệu giảng dạy nguồn nhân lực…

Bảo Ngọc