Văn hóa, du lịch

Những điểm du lịch độc đáo từ công trình năng lượng mặt trời

Thứ ba, 7/4/2020 | 12:29 GMT+7
Không chỉ là nguồn năng lượng sạch góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, năng lượng mặt trời còn được nhiều nơi trên thế giới kết hợp phát triển du lịch xanh.

Những năm gần đây, một số chương trình, hội thảo cũng được tổ chức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong khối khách sạn, tàu du lịch, trung tâm thương mại… tìm hiểu và ứng dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng và nước, hướng tới những sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chi phí không cần thiết.

Việc ứng dụng năng lượng tái tạo, tiêu biểu là năng lượng mặt trời, đang là xu thế được khuyến khích trên thế giới. Du khách đang ngày càng quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường cũng như chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch. Do vậy, việc khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch ứng dụng năng lượng mặt trời sẽ góp phần đưa du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.

Một số địa điểm du lịch phát triển theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo:

Cánh đồng pin điện mặt trời ở Tịnh Biên (An Giang) cuốn hút khách du lịch nhờ tọa lạc ở một vị trí đẹp. Xa xa là núi Cấm linh thiêng mờ ảo trong sương khói. Bao quanh nhà máy điện là những đồng lúa bát ngát. Trên nền trời xanh thẳm, từng đàn cò trắng muốt bay liệng hoặc thảnh thơi nghỉ chân trên những tầng pin năng lượng. Tất cả tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp, vừa hiện đại, vừa nên thơ và thanh bình. 

Abengoa, một công ty của Tây Ban Nha, đã phát triển một tòa tháp cao 54 tầng gần thành phố Seville. Nhà máy tháp năng lượng mặt trời bao gồm hơn 1.200 kính định nhật (heliostat).

Được gọi là "Nhà máy PS20", công trình có toàn bộ hệ thống kính định nhật chiếm diện tích tổng cộng 155.000m2. Mỗi kính định nhật hấp thu ánh nắng mặt trời suốt ngày và tập trung bức xạ vào bể chứa đặt ở nóc của tòa tháp cao 161,48m. Bể chứa sau đó sẽ biến 92% năng lượng mặt trời nhận được thành luồng hơi nước dẫn xuống một turbine nằm dưới chân tòa tháp để tạo ra điện. PS20 có khả năng sản xuất 20 MW điện năng đủ cung cấp nhu cầu sử dụng điện của 10.000 hộ dân.

Điều hấp dẫn nhất không phải bởi những cành cọ toả bóng hay hồ nước trong xanh giữa sa mạc nắng cháy, mà điều mang lại sự mới lạ từ khu nghỉ dưỡng Oasis Eco Resort thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates – UAE) đó chính là nó chỉ sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng mặt trời.

Cao ốc văn phòng sử dụng năng lượng mặt trời được xây dựng ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, tây bắc Trung Quốc. Tòa nhà rộng 75.000m2 được thiết kế dạng cấu trúc đồng hồ mặt trời và đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng tái sử dụng để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Tòa nhà cung cấp không gian cho các trung tâm triển lãm, khu vực nghiên cứu, trung tâm hội họp và huấn luyện và một khách sạn.

Cấu trúc được đặt tên là "Án Nhật Nguyệt" và mặt tiền có màu trắng tượng trưng cho năng lượng sạch. Cấu trúc bên ngoài chỉ sử dụng 1% thép cho thiết kế tổ chim và các hệ thống cách nhiệt cho tường và mái giảm được 30% năng lượng hơn cả tiêu chuẩn quốc gia về tiết kiệm năng lượng.

Khác với các sân vận động khép kín trên thế giới, World Games (Đài Loan) có kết cấu mở. Với kiểu dáng bán xoắn ốc, công trình giống như một con rồng đang cuộn mình khi nhìn từ trên cao xuống.

Với sức chứa 55.000 khán giả, tọa lạc trên một khu đất với diện tích 19 ha ở thành phố Cao Hùng (Kaohsiung), mái sân rộng 14.155 m2, được tích hợp 8.844 tấm pin năng lượng mặt trời và có thể sản xuất khoảng 1,4 triệu kWh điện/năm, đủ để cung cấp điện cho 3.300 bóng đèn, 2 màn hình tivi khổng lồ và hệ thống phát thanh trong sân. Vào những thời điểm World Games không hoạt động, 80% dân cư khu vực xung quanh có thể sử dụng nguồn điện này. Việc sử dụng nguồn năng lượng từ sân vận động World Games đã giúp giảm thiểu được 660 tấn CO2 thải vào khí quyển.

Thanh Bảo (t/h)