Năng lượng tái tạo

Tháo gỡ các điểm nghẽn để tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo

Thứ ba, 26/11/2019 | 09:00 GMT+7
Ngày 27/11, Trung tâm Tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế: “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn” tại Hà Nội.

Tạo cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia phát triển hệ thống truyền tải điện

Thời gian qua, sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí.

Trong khi đó, theo kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỉ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 là 610.000 tỉ đồng. Với số vốn đầu tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính. Những vấn đề này đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn trong phát triển điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn” là diễn đàn và là cơ hội để các cấp lãnh đạo bộ, ban ngành, địa phương; các doanh nghiệp ngồi lại với nhau; nhìn lại khó khăn, điểm nghẽn và đưa ra những giải pháp, đề xuất trong bức tranh tổng quan chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam, đồng thời lắng nghe bài học, khuyến nghị từ bạn bè quốc tế.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước

Nhiều đại biểu nhận định rằng, vướng mắc trong truyền tải công suất là một điểm nghẽn trong việc phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua. Một vấn đề được quan tâm là quy định của pháp luật về việc nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện để đảm bảo cho việc nguồn lực của xã hội sẽ được đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Cục cùng với Bộ Công Thương đã nghiên cứu cơ chế, chính sách để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chúng ta có thể áp dụng theo hình thức tư nhân đầu tư sau đó bàn giao cho ngành điện quản lý, vận hành. Tuy nhiên, cần có văn bản hướng dẫn pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Quốc hội để có thể vận dụng những quy chế trong Luật Đầu tư, Luật Điện lực cho phép đầu tư xã hội hóa trong các vấn đề về truyền tải điện. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã đóng góp ý kiến tích cực cho dự thảo Luật PPP, trong đó có việc đầu tư lưới điện. Luật PPP được ban hành cũng sẽ tạo cơ sở cho việc tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải.

Đẩy nhanh việc chuẩn bị thực hiện cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời

Một vấn đề nữa được quan tâm tại hội thảo là việc đấu thầu dự án điện mặt trời.

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/7/2019, tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số: 402/TB-VPCP, ngày 22/11/2019) mà Văn phòng Chính phủ mới công bố, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN khẩn trương thực hiện các việc sau và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2019:

Rà soát, thống nhất về biểu giá FIT áp dụng đối với điện mặt trời trên mái nhà bảo đảm phù hợp, tránh bị lợi dụng chính sách để trục lợi (lưu ý thêm về quy mô công suất tối đa đảm bảo hợp lý...).

Thống nhất về biểu giá FIT chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020 (có danh sách cụ thể kèm theo hộ sơ). Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cụ thể danh mục các dự án điện mặt trời áp dụng biểu giá FIT mới; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác danh mục các dự án này đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Thống nhất về cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới.

Việt Nam sẽ sớm triển khai việc đấu thầu các dự án điện mặt trời

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh việc chuẩn bị cho việc triển khai đấu thầu các dự án điện mặt trời. Hiện tại Bộ đang nghiên cứu, chọn lựa hình thức đấu thầu phù hợp. Phương án thứ nhất là đấu thầu theo trạm biến áp. Theo đó, xác định trạm biến áp còn dung lượng truyền tải lên hệ thống điện là bao nhiêu, sau đó tiến hành đấu thầu các dự án điện mặt trời xung quanh trạm phù hợp. Phương án thứ hai là đấu thầu theo các trang trại mặt trời (solar farm); trong đó, nhà nước cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng, rồi cho các nhà đầu tư đấu giá.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đẩy nhanh việc triển khai đấu thầu các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Một số vấn đề cần nghiên cứu là: đấu thầu ở đâu? địa điểm thế nào? quy mô ra sao? và rà soát các vấn đề pháp luật có liên quan? ai là người đứng ra đấu thầu? Từ đó, đảm bảo tính minh bạch, công khai, lựa chọn được các dự án có chi phí hợp lý.

Ông Quân cho biết thêm, hiện EVN đang chuẩn bị cho việc đấu giá thí điểm một số dự án điện mặt trời để đến năm 2021, việc đấu thầu dự án điện mặt trời có thể được triển khai rộng rãi.

Tham dự hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, để việc đấu thầu thành công thì công tác chuẩn bị vô cùng quan trọng. Công tác chuẩn bị phải được cơ quan chức năng của Chính phủ thức hiện để có thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nhà nước, mang lại lợi ích nhiều nhất cho quốc gia.

Mạnh Phúc