Tiết kiệm điện năng

Thúc đẩy hoạt động cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp

Thứ sáu, 23/2/2024 | 16:13 GMT+7
Ngày 23/2, trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy các hoạt động cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam”.

Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank). Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp trọng tâm giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo tồn nguồn tài nguyên, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Quang cảnh tọa đàm

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn. Cường độ năng lượng của Việt Nam hiện nay còn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo thống kê năng lượng mới nhất của Bộ Công Thương, tổng cường độ năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 100 triệu tấn dầu quy đổi, với quy mô GDP khoảng hơn 400 tỷ USD. Cường độ sử dụng năng lượng này so với Nhật Bản cao hơn gấp 4 lần, so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan thì cũng đang cao hơn 50 – 60%. Điều đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho biết, thực tế cho thấy việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích mà đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại. Tọa đàm ngày sẽ thảo luận các cơ hội, thách thức và giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn chuyển dịch thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm đã giới thiệu khung chính sách tiết kiệm năng lượng và hợp phần hỗ trợ kỹ thuật của dự án VSUEE. Với vai trò là đơn vị quản lý Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) của dự án, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) giới thiệu những thông tin chi tiết về Quỹ RSF và tiến độ triển khai. Theo đó, Quỹ RSF có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ Khí hậu xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ được thành lập để cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính tham gia khi cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng dưới hình thức phát hành bảo lãnh tín dụng RSF.

Những thông tin về kinh nghiệm cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng, danh mục các dự án tiết kiệm năng lượng tiềm năng cũng như những giải pháp tiết kiệm năng lượng doanh nghiệp sẽ triển khai trong thời gian tới cũng đã được chia sẻ và nhận được sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu tại tọa đàm.

An Vinh (t/h)