Kinh tế xanh

Xây dựng nền kinh tế số theo hướng phát triển bền vững, bao trùm

Thứ năm, 6/1/2022 | 17:39 GMT+7
Mới đây, hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm” đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương đánh giá, kinh tế số được xác định là một trong ba trụ cột chuyển đổi số của Việt Nam, bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Phát triển nền kinh tế số là một những nhiệm vụ quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam trong bối cảnh mới với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, sự ảnh hưởng sâu rộng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19.

Để đạt được những mục tiêu này, trước hết cần phải có những luận cứ khoa học vững chắc từ các nghiên cứu chuyên sâu làm căn cứ để có thể đề xuất được các giải pháp và kiến nghị chính sách phù hợp với thực tiễn. Các nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới phát triển nền kinh tế số cần phải nhanh chóng được thực hiện bao gồm: xác định phạm vi, phân tích đặc trưng, đo lường quy mô nền kinh tế số, đánh giá các điều kiện và yếu tố tác động tới sự phát triển.

Phát triển nền kinh tế số gắn với bền vững và bao trùm

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, tác động của đại dịch Covid-19 là những xu thế chủ đạo đã và đang tác động sâu sắc tới nền kinh tế thế giới, tạo thay đổi mọi khía cạnh của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số đã trở thành xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia. Trong nền kinh tế số, công nghệ số được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự phát triển này tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng, từ sản xuất, phân phối cho đến tiêu dùng. Có thể nói, nền kinh tế số giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tối ưu hóa kinh tế để tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, là một quốc gia đang phát triển, với một nền kinh tế năng động trong khu vực, dựa trên thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn công nghệ thông tin và viễn thông, nền kinh tế số của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, dần trở thành một động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Bên cạnh đó, sự mở rộng của nền kinh tế số còn góp phần gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài như đại dịch hiện nay.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số đặt ra nhiều yêu cầu mới trong thực tiễn, dẫn tới đòi hỏi mạnh mẽ về thay đổi nhận thức và tổ chức thực hiện.

PGS.TS Phạm Văn Linh cho rằng, để vượt qua những thách thức và hạn chế các rủi ro nói trên, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục và đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cần phải phối hợp chặt chẽ để quản lý và phát triển nền kinh tế số đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Theo đó, trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm”, hơn 60 bài tham luận của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp đã được công bố. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để góp phần phát triển nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai.

Bảo Ngọc (T/H)