Công trình xanh

Xu hướng xanh: Cần chiến lược tổng thể

Thứ hai, 30/3/2020 | 15:18 GMT+7
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, hiện nay cụm từ kiến trúc xanh hay công trình xanh là cụm từ hot nhất, được nhắc nhiều nhất trong giới kiến trúc sư (KTS) và giới đầu tư – kinh doanh bất động sản.

Công trình xanh đang là lựa chọn của nhiều người dân cho cuộc sống hiện đại

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, kiến trúc xanh hay công trình xanh về bản chất là giống nhau. Có khác chăng là các tiêu chí của công trình xanh có tính định lượng, được xác định cụ thể bằng thuật toán, đo đếm bằng các con số thông qua máy móc và sử dụng tiến bộ của khoa học công nghệ (như máy điều hòa không khí, kính chống nhiệt, vật liệu không nung, trí tuệ nhân tạo...). Còn tiêu chí của kiến trúc xanh chỉ mang tính định tính, đề cao sáng tạo của KTS, dùng thủ pháp của nghệ thuật kiến trúc kết hợp với việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra (theo 5 tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội KTS Việt Nam).

“Nhưng kiến trúc xanh phải có giá trị thẩm mỹ, tức là phải “đẹp”. Kiến trúc xanh còn có tính văn hóa (kế thừa và phát huy), tính xã hội, tính cộng đồng rất cao (phổ cập, ứng dụng). Cũng chính điều này đã giúp chính quyền đô thị có cái nhìn tích cực hơn trong quản lý sử dụng các không gian công cộng (công viên, hồ nước, cây xanh, thảm cỏ…) và khuyến khích cư dân trồng cây xanh, trồng hoa trên mái, trên ban công, lô gia tại các ngôi nhà, căn hộ của mình cũng như giữ gìn sự “xanh - sạch - đẹp””, ông Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Hiện nay, xu hướng kiến trúc xanh đã và đang được các KTS và các nhà đầu tư bất động sản ứng dụng vào trong thiết kế kiến trúc các công trình nhà ở (cao tầng hay thấp tầng, biệt thự) và công trình công cộng (như trường học, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí) tại các khu đô thị mới. Đây là sự phát triển tích cực của kiến trúc. Với mật độ xây dựng chỉ từ 20 - 30%, với các thiết kế theo hướng kiến trúc xanh, nhiều khu đô thị mới do các chủ đầu tư lớn có uy tín thực hiện đã đem đến cho người dân một không gian sống xanh, một nơi cư trú an toàn, bền vững và thân thiện. Đó chính là những nơi đáng sống.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đang và sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, riêng TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Dự án xanh tại Việt Nam còn rất ít so với nhu cầu

Với tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng nhanh, hàng nghìn công trình lớn nhỏ đang mọc lên mỗi ngày, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu từ phía khách hàng với những công trình xanh, hạn chế năng lượng tiêu thụ và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2018, Việt Nam mới chỉ có 104 dự án được chứng nhận xanh với gần 2,5 triệu m2 sàn, một con số còn rất khiêm tốn so với sự tăng trưởng thị trường xây dựng hiện nay.

KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc đưa kiến trúc xanh vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư bất động sản, của KTS mà hơn hết, có tính quyết định là trách nhiệm của chính quyền đô thị và các nhà lập quy hoạch. Nói đến kiến trúc xanh là nói đến cây xanh, mặt nước, cho dù công trình kiến trúc xanh không chỉ là trồng nhiều cây xanh.

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đô thị Xanh Việt Nam cho rằng, công trình xanh tại Việt Nam cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

Theo đó, cần xây dựng một chiến lược tổng thể để các sản phẩm xanh được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của công trình xanh là một quá trình khép kín, giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt.

“Trong khi lợi ích hữu hình của công trình xanh có thể thấy chính là tăng giá bán, bán nhanh hơn và dễ chuyển nhượng, giảm phí vận hành, tăng giá trị tài sản. Lợi ích vô hình của loại hình này là lợi thế người dẫn đầu, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ngoài ra, công trình xanh còn có lợi ích lớn đi theo suốt vòng đời, bao gồm chi phí vận hành giảm, giá trị công trình tăng. Đây còn là cơ sở sáng tạo nên chiến dịch marketing bán hàng và xây dựng thương hiệu, đồng thời tạo môi trường sống tiện nghi và sức khỏe”, ông Nguyên nói.

 

Thanh Ngân