Đời sống, xã hội

Công trình xanh cho nhà ở đô thị: Phải hướng đến sự phát triển bền vững

Thứ sáu, 4/11/2016 | 13:46 GMT+7
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phan Mỹ Linh tại buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lãnh đạo Công ty CP và Thương mại Thủ đô (Capital House) về nội dung Đề án “Chương trình Thúc đẩy công trình xanh cho nhà ở đô thị” do Capital House đề xuất, ngày 28/10/2016.

Ecolife Capital  - một trong những công trình đầu tiên tại Hà Nội đạt chứng chỉ xanh quốc tế EDGE.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao sự tự nguyện và chủ động của Capital House trong việc hướng đến xây dựng những công trình xanh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, công trình xanh phải hướng đến sự phát triển đô thị bền vững từ việc tiết kiệm năng lượng, tạo ra hiệu quả sử dụng, tăng chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.
 
Đặc biệt với những dự án căn hộ ở phân khúc giá trung bình và thấp mà được thiết kế và xây dựng thành công trình xanh thì người hưởng lợi chính là cư dân vì vừa mua được nhà giá rẻ, vừa được sống trong những công trình xanh và tiết kiệm chi phí.
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo Capital House tiếp tục xây dựng, khảo sát lấy ý kiến người dân từ đó đưa ra những phương pháp tối ưu. Trong quá trình xây dựng và thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ là đơn vị bảo trợ cho đề án trên phương diện quản lý nhà nước, quản lý đô thị và nhà ở nhằm đưa phạm vi ảnh hưởng của dự án đến đông đảo người dân hơn nữa, Thứ trưởng khẳng định.
 
Ông Trần Như Trung, Phó Tổng GĐ Capital House cho biết, lợi ích kinh tế của công trình xanh có thể kể đến việc sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, điện, nước…; Giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng và các lợi ích về sức khỏe, giám thiểu các tác động độc hại của môi trường…
 
Cách tiếp cận của đề án công trình xanh được đề xuất lấy mục tiêu truyền thông ưu tiên từ người mua, sử dụng căn hộ, sau đó mới đến chủ đầu tư. Đây là điều được đánh giá hoàn toàn khác biệt với các cách tiếp cận trước đây khi lấy các chủ thể quản lý, định chế tài chính và các công ty xây dựng làm đối tượng dự án.
 
Điểm khác biệt nhất, đề án lấy số đông tham gia từ người dân, công trình, chủ đầu tư, cam kết tham gia tiết kiệm năng lượng, dù 1% so với định mức hay trên 20% so với ngưỡng yêu cầu tiêu chuẩn làm chìa khóa cho sự thành công của toàn bộ chương trình.
 
Theo tính toán của nhóm đề xuất, chỉ với sự tham gia tăng dần từ 1% đến 20% diện tích sàn xây dựng tham gia chương trình thì có thể tiết kiệm được từ 5 – 25% mức năng lượng tiêu thị trong 5 năm tới, bằng với quy mô của một nhà máy thủy điện cỡ vừa.
 
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định những tác động tích cực của đề án đến nhu cầu sinh sống của người dân, đảm bảo sự phát triển của các dự án bất động sản gắn với chất lượng công trình xanh tại các đô thị khi đề án đi vào hoạt động.

Đầu tháng 10 vừa qua, dự án Ecolife Capital của chủ đầu tư Capital House vừa được trao chứng chỉ xanh quốc tế EDGE. Với các giải pháp thông minh, Capital House đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, sử dụng các giải pháp công trình xanh để giảm tiêu thụ điện năng trong khi vẫn bảo đảm sự thông thoáng và mát mẻ cho các căn hộ. Theo ước tính của tiêu chí EDGE, các dự án đạt được chứng chỉ có thể tiết kiệm tối thiểu 20% số lượng điện năng và nước tiêu thụ trong quá trình sử dụng.

NLSVN