Năng lượng phát triển

EVN lo thiếu điện vào năm 2021 - 2023

Thứ năm, 9/8/2018 | 14:33 GMT+7
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam các năm 2021-2023 hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.

Tại diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2018 với chủ đề "Thách thức và các định hướng đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 8/9, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, theo dự báo của EVN, trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chuẩn bị các điều kiện bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu tới những năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại (tỷ trọng công nghiệp chiếm 42% - 43% năm 2020, 40% - 41% năm 2035 trong cơ cấu kinh tế cả nước), ngành Điện cần phải đảm bảo sản xuất 265 - 278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572 - 632 tỷ kWh vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 là 10,3 - 11,3%/ năm, giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 8 - 8,5%/năm.

Trên cơ sở cập nhật tiến độ các dự án nguồn điện đang triển khai trong thời gian tới theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh, ông Ngô Sơn Hải cho biết, trong giao đoạn các năm từ 2019 – 2020, nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo. Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 4,4 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020”, ông Hải thông tin.

Bước sang các năm 2021 – 2023, Phó Tổng Giám đốc cho biết, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.

“Tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến 2025 trong các kịch bản gồm phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm. Cùng với đó, nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay (mỗi dự án nhiệt điện than 1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm từ 7,2÷7,5 tỷ kWh/năm).

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2026 - 2030, nhìn chung cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong trường hợp tiến độ các nguồn điện đáp ứng như dự kiến.

Theo Phó Tổng Giám đốc, Qui hoạch điện VII điều chỉnh trong 5 năm 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiện điện than / 7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000MW / 26.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong 5 năm tới, nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay. Việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro, các nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm nhưng chưa có nguồn cấp khí thay thế. Tiến độ dự kiến khí lô B và khí Cá Voi Xanh vẫn còn nhiều rủi ro về tiến độ.

 

An Nhiên