Đời sống, xã hội

Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và khó kiểm soát

Thứ năm, 28/11/2019 | 09:00 GMT+7
Ngày 26/11, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đã tổ chức diễn đàn Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp.

Ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, qua một số khảo sát của Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả, hàng kém chất lượng đã có mặt ở mọi phân khúc thị trường, từ các vùng nông thôn đến nhiều thành phố lớn, từ giao dịch trực tiếp ở các chợ, cửa hàng tạp hóa đến nhiều trang web thương mại điện tử. Năm 2017 và 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ hàng nhái, hàng kém chất lượng với tổng giá trị trên 907 tỷ đồng, trong đó đã xử phạt hành chính trên 121,3 tỷ đồng.

"Hàng giả, hàng kém chất lượng đã vi phạm trong mọi lĩnh vực, như trong quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, quyền lợi người tiêu dùng", ông Dương khẳng định.

Đồng tình với số liệu đưa ra, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục quản lý thị trường cho rằng, hàng giả hiện nay đang được làm ngày càng tinh vi hơn, thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn, và không dừng lại ở phạm vi sản xuất trong nước mà còn liên quan đến yếu tố nước ngoài. Một số sản phẩm nổi cộm trong thời gian vừa qua bao gồm: bánh kẹo, đồ uống, dược phẩm, chất bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô xe máy và các mặt hàng tiêu dùng thời trang...

Toàn cảnh diễn đàn Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp

"Các đối tượng sẵn sàng đội lốt xuất xứ cho hàng hóa để lừa dối người tiêu dùng, với các mánh khóe gian lận như sản phẩm trưng bày là hàng thật nhưng đồ bán ra lại là hàng giả, các sản phẩm giả luôn được ghi địa chỉ sản xuất nhưng đây đều là địa chỉ không có thật. Đối phó với lực lượng chức năng, các nhóm đối tượng có sự phân công chặt chẽ để hình thành các đầu mối phụ trách từng khâu trong quá trình sản xuất hàng hóa. Các hệ thống này chỉ tổ chức lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, gắn nhãn mác khi có đơn hàng và sẽ giao ngay khi hoàn thiện. Với mục tiêu sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không tích trữ số lượng lớn nên các cơ quan chức năng rất khó thu thập bằng chứng để tiến hành xử phạt", ông Đạt chia sẻ.

Trong lĩnh vực xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an, cũng ghi nhận có nhiều trường hợp vi phạm và khẳng định tới đây sẽ có các biện pháp hình sự để răn đe. Ông cho biết, trước đây, đối tượng vi phạm thường là những người có trình độ dân trí thấp, các doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, nhưng hiện nay đối tượng vi phạm lại là người có trình độ cao, chuyên môn cao, có sự hiểu biết về các chính sách để lợi dụng những kẽ hở của luật, cũng như thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động để lẩn tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.

Trong diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương – nhận định ngành thương mại điện tử hiện nay đang có sự bùng nổ của các hành vi gian lận thương mại. Đa số các hành vi vi phạm là buôn bán và quảng cáo hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng cấm; lừa đảo, lợi dụng người tiêu dùng để trục lợi; hoạt động kinh doanh mà chưa đăng ký, chưa thông báo với Bộ Công thương…

Ông Phan Ngân Sơn Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng cần phải xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ

Trước thực trạng và thách thức đang diễn ra, các chuyên gia của Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Khoa học & Công nghệ đã thảo luận và đề xuất những giải pháp tăng cường mới. Về phía Bộ Công thương, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, lực lượng Quản lý thị trường cần đổi mới phương pháp thu thập thông tin, phân loại các chủng loại mặt hàng để có biện pháp sàng lọc, dự đoán trước những sản phẩm dễ bị làm giả để có biện pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt, các cơ quan này cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và các hiệp hội liên quan để có thể triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền đến người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về thương mại điện tử trong các trang ứng dụng, sàn thương mại điện tử để nghiêm ngặt quản lý, ngăn chặn nạn buôn bán tràn lan hàng kém chất lượng.

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống hàng giả, hàng nhái, trong đó đề ra 9 nhóm giải pháp với 3 nhóm dành cho nâng cao hiệu quả thông tin cho người dân. Cụ thể, các giải pháp này đều nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặt ra các nhiệm vụ giải quyết các bất cập và đảm bảo tính dân sự và xã hội hóa cho các hoạt động ủy quyền, bao gồm: rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ; tinh giản đầu mối các cơ quan có thẩm quyền để dần chuyển sang xử lý bằng biện pháp hình sự; xây dựng đội ngũ thẩm phán có chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu việc thành lập tòa án chuyên trách để xử lý các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, ông Sơn nhấn mạnh cần phải xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ. “Đây là nhóm giải pháp cần thiết để lan tỏa ra toàn xã hội thói quen luôn đổi mới sáng tạo, ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng như tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác”, ông Sơn nói.
 

Gia Linh