Đời sống, xã hội

Kiến nghị sửa đổi nghị định để Việt Nam đạt tới giáo dục 4.0

Thứ hai, 20/1/2020 | 09:00 GMT+7
Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi mọi mặt trong xã hội, trong đó có giáo dục. Do đó, Việt Nam cần thiết phải có những chuyển biến để phù hợp với nền giáo dục 4.0 hiện hành, đồng thời tiếp tục giữ vững thành tích trên bảng xếp hạng quốc tế.

Giáo dục 4.0

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có điểm số cao nhất thế giới về năng lực đọc hiểu, toán và khoa học theo bảng xếp hạng PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) cho học sinh. Tuy nhiên, những tiêu chí của xếp hạng này vẫn dựa trên phương pháp giáo dục truyền thống. Thực tế, phần lớn sinh viên Việt Nam thiếu kỹ năng mềm cơ bản.

Giáo dục được coi là ngành chủ chốt đảm bảo tính bền vững của phát triển kinh tế - xã hội, nên yêu cầu nâng cao nhận thức về giáo dục mới được coi là trọng tâm quốc gia. Đối với điều này, cách mạng công nghệ trong giáo dục là cần thiết để mọi người khai thác những cơ hội mới trong phát triển bền vững, bắt kịp xu thế chung.

Giáo dục 4.0 về bản chất sử dụng công cụ và nguồn lực dựa trên công nghệ để hướng giáo dục theo những con đường phi truyền thống. Sinh viên không còn phải học tại các lớp học truyền thống cùng giáo viên, không chỉ sử dụng sách giáo khoa, bút và giấy vở. Thay vào đó, với giáo dục 4.0, sinh viên có thể tiếp nhận kiến thức từ xa thông qua các phương thức như khóa học trực tuyến, nói chuyện video hoặc tham gia qua các cuộc gọi thoại. Với phương thức này, sinh viên, học sinh sẽ chủ động hơn với những kiến thức chuyên môn đồng thời có thể nâng cao khả năng giao tiếp, trao đổi.

Giáo dục 4.0 là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế ưu tiên lựa chọn. (Ảnh minh họa)

Giáo dục 4.0 là cách tiếp cận học tập thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Điều quan trọng là phải theo kịp với thế giới đang thay đổi, giáo dục 4.0 sẽ đào tạo ra nhân sự có trình độ công nghệ, kỹ năng toàn cầu hóa cao.

Thay đổi để phát triển

Nghiên cứu của Nhóm công tác Nguồn nhân lực và Giáo dục – Đào tạo, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) chỉ ra rằng, tình trạng cá nhân hóa trong giáo dục giúp hình thành tính tự lập, giúp kết quả học tập tốt hơn. Giáo dục 4.0 sử dụng các công cụ như hệ thống quản lý trường học thông minh, phần mềm quản lý học tập, công cụ giao tiếp… để hỗ trợ học tập và giảng dạy. Học cá nhân qua Internet giúp khả năng tiếp thu nhanh hơn, nguồn tài liệu phong phú, chuyên môn hóa và dễ dàng truy xuất hơn.

Trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 mới đây, đại diện Nhóm công tác đã đánh giá cao những quy định mới, những quan điểm tiến bộ của Luật Giáo dục đại học mới và Luật Giáo dục sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2020. Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra một nghị định hướng dẫn thực hiện những luật này. Các nhà phân tích của Nhóm công tác Nguồn nhân lực và Giáo dục – Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP để những nghị định này nhất quán với những quy định mới, giúp Việt Nam đạt tới giáo dục 4.0.

Theo đó, việc sửa đổi và bổ sung một số khoản của Nghị định số 46/2017 và 86/2018 sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đế sự thay đổi mô hình giáo dục trong lĩnh vực giáo dục tư nhân. Từ đây, chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao.

Trước tình trạng nguồn nhân lực thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, không đáp ứng được yêu cầu của các đối tác trong nước và quốc tế như hiện nay, thì một hệ thống giáo dục hiện đại, toàn cầu hóa sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Thanh Bảo